Quảng Ngãi: Làm giàu bằng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch
Xuất thân từ một gia đình nông dân có 7 anh chị em, sau khi thi đỗ đại học, anh Lê Quang Trung (thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) nhập trường được 1 tháng thì phải bỏ học vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Để mưu sinh, anh phải bươn chải với đủ thứ nghề nhưng thu nhập không đáng là bao. Nhiều đêm trằn trọc, suy tính, anh quyết định trở về quê đem theo giấc mơ làm giàu.
Giúp thành viên liên kết
Kể về quãng thời gian khởi nghiệp đầy khó khăn, anh Trung cho biết vốn khởi nghiệp của anh ở thời điểm năm 2006 là 1 con gà mái và 13 con gà con do bố mẹ cho. Gần 1 năm tích góp tiền bán gà được 3 triệu đồng, anh mua một con bê đực với giá 1,7 triệu đồng, nuôi được 1 năm bán được 9 triệu đồng. Mỗi năm một ít và khi có số vốn kha khá, anh đầu tư nuôi bò sinh sản, nuôi heo nái với số lượng tăng dần theo từng năm.
Với những kiến thức tìm hiểu được từ những người đi trước, qua mạng internet và các lớp tập huấn, anh chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; sử dụng chế phẩm sinh học để ủ thức ăn lên men, nuôi gia súc. Với cách làm này, anh vừa tiết kiệm được thời gian chăm sóc vật nuôi, giảm chi phí đầu vào, vừa giúp vật nuôi tăng trọng nhanh, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra cũng như thu nhập. 10 năm sau khởi nghiệp, tổng thu nhập của vợ chồng anh đạt trên 400 triệu đồng, trừ đi các khoản chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng từ bán bê con, heo giống, heo thịt.
Năm 2017, anh mạnh dạn vận động 26 người cùng tham gia thành lập HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú, trong đó chủ yếu là thanh niên. Anh cho biết: “Việc thành lập HTX chăn nuôi giúp cho thành viên liên kết trong chăm sóc vật nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm sạch mà không bị thương lái ép giá. Các thành viên HTX đã bắt đầu với gần 300 con heo nái và bò sinh sản nên chủ động về con giống tốt, chưa kể hàng nghìn con gà, vịt nuôi thả vườn”.
Để bảo đảm đủ lượng thức ăn cho đàn bò của HTX vào mùa mưa lũ, kể cả cung cấp cho người dân nếu họ cần, HTX đã thuê trên 10.000 m2 đất để trồng cỏ, đầu tư mua 1 máy băm cắt các phế phẩm trong nông nghiệp như thân cây đậu phộng, cây ngô, rơm rạ, cỏ voi, đồng thời xây dựng nhà kho dự trữ nguồn thức ăn lên men.
HTX còn dự định mở trang trại chăn nuôi tập trung, nhằm chủ động cả đầu vào lẫn đầu ra, bảo đảm cung cấp sản phẩm chăn nuôi sạch cho thị trường.
Đầu năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành hỗ trợ cho HTX triển khai mô hình chăn nuôi heo sạch bằng thảo dược. Mô hình được thực hiện với quy mô 72 con heo có trọng lượng bình quân 12 - 16 kg/con, trong đó HTX được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn thảo dược đậm đặc.
Mô hình đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công bằng việc sử dụng những nông sản sẵn có ở địa phương được phối trộn với cám thảo dược để nuôi heo thịt theo quy mô nông hộ, được nhà nước bảo hộ độc quyền.
Nuôi heo bằng thảo dược
Quá trình chăn nuôi từ lúc thả heo đến lúc xuất bán thực hiện với tiêu chí 3 không: Không sử dụng thức ăn cám công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng. Toàn bộ thức ăn của heo đều bằng nguồn thức ăn tự nhiên như cám gạo, bột bắp, bột mỳ và cám thảo dược.
Giám đốc Lê Quang Trung cho biết nuôi heo bằng phương pháp này sử dụng con giống địa phương và các phế phẩm từ nông nghiệp nên chi phí đầu vào rất ít. Heo nuôi sinh trưởng tốt, ít xảy ra dịch bệnh nên không tốn thuốc thú y, bảo đảm tiêu chí không sử dụng thuốc kháng sinh. Trong quá trình nuôi chủ yếu chỉ sử dụng các loại cây thảo dược tại địa phương để trị các bệnh đơn giản như nhiễm nước, bỏ ăn, tiêu chảy…
Sau 4 tháng nuôi, heo đạt trọng lượng bình quân 80 kg/con, tăng 60 kg/con so với lúc đầu nuôi. So với nuôi bằng cám công nghiệp, thì heo được nuôi bằng thức ăn thảo dược tăng trưởng chậm hơn, trọng lượng ít hơn khoảng 40 kg/con trong cùng 1 thời gian chăm sóc. Tuy nhiên, mô hình này lại đưa ra thị trường sản phẩm thịt sạch có chất lượng thơm ngon, màu sắc tươi đẹp bắt mắt, giá bán cao hơn.
HTX đang duy tổng đàn khoảng 150 con, trong đó số đạt trọng lượng để mổ bán (70 kg/ con) chiếm khoảng 1/2. Đến thời điểm này đây là mô hình nuôi heo giống địa phương tập trung bằng phế phẩm nông nghiệp sạch và thảo dược duy nhất của Quảng Ngãi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo