Thị trường

Quảng Xương, Thanh Hóa: Đột phá nông thôn mới từ các HTX thủy sản

Với những thành tích ấn tượng trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) vừa chính thức được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, sau gần 8 năm nỗ lực không ngừng.

Bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội huyện Quảng Xương đã có những bước tiến mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đạt 40,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% năm 2010 xuống còn 3,25% năm 2018.

Diện mạo đổi thay

Sau 8 năm triển khai, toàn huyện đã huy động được gần 4.800 tỷ đồng vào xây dựng NTM. Từ nguồn kinh phí này, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học và các thiết chế văn hóa trên địa bàn được đầu tư nâng cấp.

Cụ thể, huyện làm mới 34,7 km đường huyện, xây mới 11 cầu, 324 cống các loại, kiên cố hóa 281,4 km kênh mương. Trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng trên địa bàn đạt 94,07%.

Huyện cũng xây mới và đưa vào sử dụng 22 công trình công sở xã; nâng cấp, sửa chữa, xây mới 16 chợ, 43 trường học với 221 phòng học và 72 nhà hiệu bộ; xây mới và cải tạo, nâng cấp nhiều công trình y tế, nhà văn hóa và công trình điện, công trình nước trên địa bàn…

Chính sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đồng thời trở thành động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện Quảng Xương.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn như vùng lúa năng suất chất lượng cao với diện tích đạt trên 4500 ha/năm; vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; các vùng chăn nuôi giasúc tập trung; vùng nuôi thủy sản…

Song song với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, môi trường sống của địa phương này cũng ngày càng được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, bản sắc văn hóa được gìn giữ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đơn cử, về môi trường, 29/29 xã của huyện hiện có tổ vệ sinh môi trường thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác đến vị trí tập kết. Từ năm 2012, huyện triển khai thực hiện mô hình xây dựng lò đốt rác thải hộ gia đình, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân thực hiện phân loại rác trước khi xử lý.

Trong hàng loạt các giải pháp được thực hiện để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, sự phát triển của các HTX nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM huyện Quảng Xương.

Các HTX NTTS đang là điểm sáng trong xây dựng NTM ở Quảng Xương

Điểm sáng HTX thủy sản

Theo Liên minh HTX tỉnh, mô hình HTX NTTS chính là một hướng đi mới để định hướng người dân phát triển nghề NTTS theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.

Điển hình, HTX Nuôi trồng thủy sản Hợp Thành (xã Quảng Nham), được thành lập tháng 6/2016. HTX hiện có 60 ha nuôi ngao với 25 hộ thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động.

Bà Nguyễn Thị Thơm - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Nhờ việc ứng dụng KH-KT và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên hoạt động của HTX ổn định và từng bước phát triển, doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân của các thành viên đạt 5 - 6 triệu đồng/người/tháng”.

Không chỉ hỗ trợ người dân về kỹ thuật nuôi thả, hình thành tập quán sản xuất thủy sản mới mà các HTX NTTS còn đẩy mạnh cung ứng, bao tiêu sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết.

Được thành lập từ tháng 4/2017, HTX Dịch vụ NTTS Quảng Chính đang đóng vai trò liên kết, tạo điểm tựa cho thành viên phát triển sản xuất. HTX hiện có 41 thành viên với số vốn điều lệ là 2 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 176 ha, trong đó hộ lớn nhất có diện tích 20 ha.

“Nhờ sản xuất hiện đại cùng sự chủ động trong phát triển thị trường, sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại hệ thống các nhà hàng ở Tp.Thanh Hóa, Tp.Sầm Sơn… với giá trị cao và ổn định”, ông Phạm Bá Thảo - Giám đốc HTX, cho hay.

Trong năm 2019, HTX Quảng Chính đang đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hệ thống cửa hàng phân phối tại các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Yên Định và hướng đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng chuỗi giá trị mở rộng.

Với hiệu quả vượt trội, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, thực hiện lồng ghép nguồn vốn nhằm thúc đẩy các HTX nói chung và HTX NTTS nói riêng phát triển, qua đó, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM, hướng tới các mục tiêu NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Theo Hưng Nguyên/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo