Thị trường

Quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án 844

DNVN - Một loạt nội dung liên quan đến quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã được ghi rõ trong Thông tư số 45/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính vừa ban hành.

Xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU có thể tăng từ 4-6% / 6 tháng, nhập khẩu thịt lợn tăng gần 6 lần

Thông tư này quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” quy định tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844.
Kinh phí thực hiện Đề án 844 được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Nguồn ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách nhà nước; Nguồn vốn của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương và các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khác để tài trợ, hỗ trợ các nhiệm vụ của Đề án 844 thuộc nhiệm vụ, mức hỗ trợ theo quy định của Điều lệ và quy chế tài chính của từng Quỹ; và Nguồn kinh phí khác.
Thông tư nêu rõ: Hỗ trợ kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ, định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp tại một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Đối với chuyên gia trong nước: Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức các chương trình đào tạo căn cứ nội dung yêu cầu công việc thuê chuyên gia thực hiện thương thảo mức tiền thuê chuyên gia, thuyết minh rõ kết quả của việc thuê chuyên gia, tiêu chí đánh giá kết quả thuê chuyên gia để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về số lượng và mức kinh phí thuê chuyên gia theo hợp đồng khoán việc. Mức chi thuê chuyên gia tối đa không quá 15.000.000 đồng/chuyên gia/khóa đào tạo.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, dài ngày (từ 30 ngày trở lên), mức chi thuê chuyên gia tối đa không quá 40.000.000 đồng/chuyên gia/khóa đào tạo.
Đối với chuyên gia nước ngoài: Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức các chương trình đào tạo căn cứ nội dung yêu cầu công việc thuê chuyên gia thực hiện thương thảo mức tiền thuê chuyên gia, thuyết minh rõ kết quả của việc thuê chuyên gia, tiêu chí đánh giá kết quả thuê chuyên gia để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về số lượng và mức kinh phí thuê chuyên gia theo hợp đồng khoán việc.
Mức chi trả cho chuyên gia nước ngoài do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương trình đào tạo quyết định sau khi đã thỏa thuận với chuyên gia theo hợp đồng và trong phạm vi dự toán được phê duyệt. Tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia nước ngoài tối đa không quá 50% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Về mức chi để phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hỗ trợ kinh phí đối với nhiệm vụ tư vấn thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Tối đa không quá 80.000.000 đồng/nhiệm vụ/doanh nghiệp.
Về mức chi đối với hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về mức chi đối với hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp:
Hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo để kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm ở trong nước, với khu vực và thế giới. Theo đó, đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo theo chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao nhiệm vụ.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở khả năng thu của đơn vị (tối đa không quá 70% tổng dự toán kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo theo chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao nhiệm vụ).
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và doanh nghiệp: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo theo chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao nhiệm vụ.
Về mức chi hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài. Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia hoặc quốc tế.
Trong đó, hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gồm: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ): Mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 80.000.000 đồng/doanh nghiệp.
Ngoài ra, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ: Tối đa không quá 10 doanh nghiệp/năm.
Hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài (tối đa không quá 02 người/doanh nghiệp được cử đi tham gia các khóa huấn luyện). Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ: Tối đa không quá 10 doanh nghiệp/năm...
Thông tư 45/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2019.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm