Thị trường

Rà soát các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Doanh nghiệp Việt thúc đẩy ứng dụng lập trình không cần viết 'code' / Bán dép Crocs giả bị phạt 27,5 triệu đồng

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Hoàng Thị Đôi phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ. Đặc biệt là tinh thần chỉ đạo “5 quyết tâm, 5 bảo đảm và 5 đẩy mạnh” của Chính phủ để thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nêu ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn đề cập những vấn đề cần quan tâm từ thực tiễn lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư của cử tri và nhân dân.

Theo đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La), công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay có tiến bộ. Song qua giám sát và nắm tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu nhận thấy còn rất nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước “chậm được thu hẹp” ở vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho biết thêm, mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa hiện nay tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung còn thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống nhân dân…

Từ thực trạng trên, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng giảm nghèo ở vùng dân tộc tộc thiểu số và miền núi, nhất là các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

“Từ đó tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn”, đại biểu Hoàng Thị Đôi nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu ý kiến, để thúc đẩy kinh tế tăng tốc phục hồi, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân.

Nêu 3 giải pháp cần tập trung thực hiện, đại biểu đoàn Ninh Bình kiến nghị, hiện nay các chỉ tiêu an toàn nợ công ở mức thấp và an toàn. Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp và người dân tương tự như năm 2023. Trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước, vừa là kích cầu tiêu dùng, vừa tăng doanh thu bán hàng, qua đó tăng thu thuế.

Liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị xúc tiến hơn nữa việc sắp xếp lại nhà và đất công. Bên cạnh đó, cần có phương án sớm khắc phục nhanh chóng tình trạng để hoang hóa, lãng phí trụ sở làm việc, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.

Đáng chú ý, đại biểu Thanh Hương đề cập đến những khó khăn, vướng mắc hiện nay về cơ chế tài chính đối với các cơ quan báo chí. Theo đại biểu, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng xuyên quốc gia đã đặt ra nhiều thách thức và khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm.

Xuất phát từ tình hình thực tế, đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện để ban hành sớm các Thông tư quy định về định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí đảm bảo tính đúng, tính đủ; sửa đổi quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các cơ quan báo chí.

“Có thể nói đây là một yêu cầu cấp thiết đặt ra và các cơ quan báo chí đang từng ngày, từng giờ mong mỏi việc hoàn thiện các quy chế về cơ chế tài chính để tạo điều kiện cho báo chí Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và làm phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương thảo luận.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm