Ra sức thâu tóm, cuộc đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ sắp có hồi kết?
Hà Nội: Thu giữ gần 4.500 sản phẩm đồ chơi nhập lậu trước Trung thu / Dệt may gặp khó vì đơn hàng bị 'chia nhỏ'
Doanh nghiệp nội liên tiếp thâu tóm đối thủ để mở rộng thị trường
Thị trường bán lẻ Việt đầu tháng 9 trở nên sôi động với vụ mua bán, sáp nhập giữa Queenland Mart và Vinmart.
Theo đó, 8 siêu thị Queenland Mart sẽ chính thức thay đổi và chuyển sang nhận diện theo đúng tiêu chuẩn của siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+.
Trong số 8 siêu thị này thì có 7 siêu thị được chuyển thành siêu thị VinMart và 1 siêu thị được chuyển đổi mô hình thành cửa hàng VinMart+.
Cần phải nói, đây là vụ thâu tóm đầu tiên của Vinmart tại thị trường Tp.HCM, nâng số lượng siêu thị của ông lớn này lên con số 52 siêu thị tại đây. Động thái này cũng cho thấy tham vọng vươn rộng tại thị trường miền Nam của Vinmart.
Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn sớm để bàn về hồi kết của cuộc đua thị phần bán lẻ.
Trước thương vụ với Queenland Mart, Vinmart cũng đã mua lại toàn bộ hệ thống của Fivimart và 87 cửa hàng Shop & Go.
Tương tự Vinmart, Saigon Co.op cũng bắt đầu chiến dịch mở rộng quy mô để chiếm lĩnh thị trường của mình.
Mới nhất, vào cuối tháng 6/2019, cùng với tuyên bố rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam của Auchan Reatil (Pháp), Saigon Co.op đã "nhanh tay" mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của hệ thống này.
Theo đó, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả các hoạt động Auchan tại Việt Nam gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn thương mại điện tử và hơn 200 nhân viên đang làm việc cho Auchan.
Như vậy, hiện mạng lưới của Saigon Co.op đã lên tới 125 siêu thị Co.opmart trải dài từ Bắc đến Nam.
Tuy nhiên, nếu xét về độ phủ Co.opmart vẫn chưa phải là "đối thủ" của Vinmat, khi ông lớn này sở hữu đến 2.100 siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+.
Doanh nghiệp ngoại "từ bỏ" cuộc chơi
Nhìn lại thị trường bán lẻ Việt Nam cho đến nay đã chứng kiến sự ra đi của không ít các đối thủ ngoại.
Mặc dù có bề dày về kinh nghiệm và nguồn vốn khủng, song các doanh nghiệp nước ngoài như Metro, Auchan, Casino Group (Pháp), Parkson… đã lần lượt tuyên bố rút khỏi Việt Nam vì kinh doanh bết bát và không thể giành được miếng bánh thị phần.
Ngay cả những đại gia bán lẻ "sừng sỏ" thế giới như 7-Eleven khi đặt chân vào Việt Nam cũng không thể thực hiện được những tuyên bố hùng hồn trước đó.
Cụ thể, ở thời điểm vừa có cửa hàng đầu tiên, đại gia bán lẻ này khẳng định đến năm 2020 sẽ cán mốc 100 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2027, 7-Eleven sẽ phủ sóng khắp cả nước, với số điểm kinh doanh lên đến 1.000 cửa hàng.
Tuy nhiên, trái ngược với ý định mở rộng chuỗi thần tốc, đến nay, 7-Eleven chỉ có tổng cộng 21 điểm kinh doanh, tức chỉ mới đạt 20% chỉ tiêu 100 cửa hàng trong 3 năm hoạt động đầu tiên.
Cũng như 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc dù ra mắt trễ hơn nửa năm nhưng cũng từng gây sốt, trở thành một hiện tượng ngày đặt chân vào Việt Nam.
Ở thời điểm đó, GS25 còn tuyên bố sẽ mở 2.500 cửa hàng tiện lợi sau 10 năm tấn công thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm có mặt, số lượng điểm kinh doanh của GS25 đến thời điểm này cũng vỏn vẹn với 32 cửa hàng.
Cuộc đua thị phần sắp có hồi kết?
Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, Vinmart, Co.opmart thực sự đang là điểm sáng của thị trường bán lẻ hiện nay. Với việc mở rộng không ngừng hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, hai ông lớn này đã tạo dựng chỗ đứng, vị thế, xây dựng niềm tin, tạo cảm hứng, động lực cho các doanh nghiệp trong nước khác có thể vươn lên.
Mặc dù thành công hiện tại của Vinmart, Co.opmart là rất đáng hoan nghênh tuy nhiên vị chuyên gia này cho rằng, giai đoạn 2019-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa.
Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo