Thị trường

Sắp có hàng triệu khẩu trang kháng khuẩn được bán ra thị trường

DNVN - Ngoài khẩu trang y tế, còn rất nhiều khẩu trang khác mà trong nước có thể tự chủ về công nghệ và sản xuất được, đó là khẩu trang có sử dụng vải kháng khuẩn và vải thoi. Dự kiến trong 4 tuần nữa, Tập đoàn Dệt May sẽ cung ứng ra thị trường với số lượng 8-10 triệu khẩu trang, giặt được 30 lần.

Bưu chính được phép vận chuyển ra nước ngoài trang thiết bị y tế dùng cho việc chống dịch bệnh do virus Corona / Thái Lan áp thuế chống bán phá giá thép Việt thêm 5 năm

Chiều ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Công thương và một số doanh nghiệp (DN) nhằm bàn giải pháp hỗ trợ thúc đẩy các DN sản xuất khẩu trang, trang phục phòng chống dịch phục vụ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu của nhân dân.

Việt Nam sẽ tự chủ công nghệ sản xuất khẩu trang kháng khuẩn

Đại diện Bộ Công thương cho biết, các đơn vị y tế cần khoảng 72.000 khẩu trang mỗi ngày nhưng số lượng sản xuất tăng hơn mà vẫn thiếu. Điều này cho thấy sự cấp thiết của việc sử dụng khẩu trang hợp lý để vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tránh tình trạng lãng phí không cần thiết.

Ngoài khẩu trang y tế, còn rất nhiều khẩu trang khác mà trong nước có thể tự chủ về công nghệ và sản xuất được, đó là khẩu trang có sử dụng vải kháng khuẩn và vải thoi. Bên cạnh khẩu trang y tế mà chúng ta nói sản xuất theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì tiềm năng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn là rất nhiều.

Tại cuộc họp, hầu hết các DN đều cho biết về cơ bản có thể đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ sở y tế trong nước và một phần đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian tới. Hiện một số đơn vị đều tăng ca để sản xuất với công suất tối đa và cam kết không tăng giá bán sản phẩm. Các đơn vị đang tăng cường sản xuất khẩu trang vải, dệt kim, kháng khuẩn, có thể tái sử dụng nhiều lần.

Cụ thể, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay, đơn vị đang sản xuất khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn và khẩu trang dùng 1 lần. Dự kiến trong 4 tuần nữa sẽ cung ứng ra thị trường với số lượng 8-10 triệu khẩu trang, giặt được 30 lần.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa giới thiệu vải bông 100% dệt thoi kháng khuẩn, sử dụng hoạt chất kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam, có khả năng kháng khuẩn tới 50% sau 15 lần giặt. Tuy nhiên cũng phải sau 1-2 tuần mới ra được lô sản phẩm đầu tiên.

Trước tiềm năng này, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tăng tiến độ sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn theo tiêu chuẩn hợp quy, hợp chuẩn.

Doanh nghiệp trong nước đang tích cực sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đưa ra thị trường.

Doanh nghiệp trong nước đang tích cực sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đưa ra thị trường. Nguồn ảnh: Internet

Bộ Y tế sẽ sớm công bố tiêu chuẩn khẩu trang đạt chất lượng y tế

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, sẽ sớm công bố tiêu chuẩn khẩu trang đạt chất lượng y tế. Khi có tiêu chuẩn rồi, sẽ triển khai thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều người hiểu chưa đúng về việc dùng khẩu trang phòng chống dịch nên xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế, thậm chí có người gom hàng, đầu cơ khẩu trang để trục lợi khiến cho khẩu trang y tế ngày càng khan hiếm và tăng giá.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, người dân cần phân biệt giữa khẩu trang y tế và khẩu trang thông thường để sử dụng hợp lý, đúng người, đúng chỗ. Chẳng hạn, khẩu trang y tế được khuyến cáo dùng khi đến bệnh viện, cơ sở y tế, nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Còn bình thường, người dân chỉ cần dùng khẩu trang thông thường là được.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Nếu ai cũng dùng khẩu trang y tế sẽ dẫn đến tình trạng dùng không hợp lý, không cần thiết và gây lãng phí".

Theo báo cáo của Vụ Trang thiết bị - Công trình Y tế (Bộ Y tế), qua kiểm tra các đơn vị, các cơ sở y tế cho thấy, hiện rất khó để mua khẩu trang y tế, bộ trang phục phòng chống dịch do các đơn vị đã ký hợp đồng với cơ sở y tế không tiếp cận được nhà sản xuất để mua (do khan hiếm hàng, các đơn vị chưa sản xuất kịp) và giá khẩu trang y tế tăng do giá nguyên liệu đều tăng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, cùng với các bộ, ngành, Bộ Công thương rất quan tâm đến công tác đảm bảo vật tư và trang thiết bị phòng, chống dịch nCoV và coi đây là nhiệm vị rất quan trọng trước mắt.

Theo đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, Bộ Công thương đã yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại các nước khẩn trương tìm kiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế cũng như các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Cục đã tổng hợp các đầu mối có thể cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang và một số trang thiết bị khác phòng, chống dịch. Thông tin các đầu mối nguyên liệu đến từ các nước như: Ba Lan, Malaysia, Pháp, Ai Cập, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Chi Lê, Indonessia, Áo, Hungary… được gửi chi tiết cho các doanh nghiệp để tham khảo và liên hệ khi cần thiết.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong việc đẩy nhanh sản xuất và cung ứng khẩu trang y tế, một số doanh nghiệp cho hay, nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá nguyên liệu tăng vẫn đang là trở ngại lớn đối với việc sản xuất khẩu trang y tế cũng như trang thiết bị phòng dịch thời điểm hiện tại.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm