Sau 5 năm, Việt Nam có thêm hơn 30 doanh nghiệp tỷ USD trên sàn chứng khoán
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật dự kiến tăng trong năm 2019 / Tiêu thụ Vios suy giảm đầu năm, Toyota dễ mất ngôi vua xế hộp tại Việt Nam
Một báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố cho thấy, cùng với xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, chỉ số chứng khoán Việt Nam năm 2018 lần đầu tiên giảm điểm sau 5 năm tăng trưởng liên tiếp.
Tuy nhiên, mức giảm điểm của TTCK Việt Nam vẫn khiêm tốn so với nhiều thị trường trên thế giới và trong khu vực. Đáng chú ý là chỉ số VN-Index đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong quý I/2018 và thiếp lập đỉnh lịch sử mới tại mức 1.204,33 điểm (ngày 09/4/2018).
Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, chỉ số VN-Index đạt 892,54 điểm, giảm 9,3% so với cuối năm 2017; chỉ số HNX-Index đạt 104,23 điểm, giảm 10,8% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, một số TTCK trên thế giới có mức giảm điểm tương đối lớn như Trung Quốc giảm 24,6%, Đức giảm 18,3%, Hàn Quốc giảm 17,3%, Hong Kong giảm 14,6%, Anh giảm 12,5%, Nhật giảm 12,1%.
Theo báo cáo, tính đến 31/01/2019, thị trường có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 SGDCK và 804 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt hơn 1.235 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2017.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong năm cũng ghi nhận một số doanh nghiệp lớn và ngân hàng niêm yết mới như CTCP Vinhomes, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Quy mô vốn hóa của thị trường năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng với 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. Trong đó, các ngành bất động sản, ngân hàng, thực phẩm và đồ uống là những ngành có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Cụ thể: ngành bất động sản vốn hoá 848 nghìn tỷ đồng; ngành ngân hàng 756 nghìn tỷ đồng; ngành thực phẩm và đồ uống 679 nghìn tỷ đồng).
Đáng chú ý, nếu như cách đây 5 năm, TTCK Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp có mức vốn hóa 1 tỷ USD thì đến thời điểm ngày 29/1/2019, đã có khoảng 32 doanh nghiệp có mức vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên niêm yết trên 2 SGDCK.
Danh sách tiêu biểu được nhắc đến như Tập đoàn Vingroup – Công ty cổ phần có mức vốn hóa khoảng 14,3 tỷ USD, Công ty cổ phần sữa Việt Nam có mức vốn hóa tương đương 10,2 tỷ USD, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam có mức vốn hóa hơn 9 tỷ USD, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – Công ty cổ phần có mức vốn hóa gần 8 tỷ USD.
"Với quy mô vốn hóa như hiện tại, TTCK Việt Nam đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường tiền tệ, giảm áp lực đối với hệ thống các Ngân hàng", báo cáo nêu.
Báo cáo cũng cho biết, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái về cả doanh thu (tăng 15,2%) và lợi nhuận sau thuế (tăng 21,4%), trong đó bất động sản vẫn là ngành có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất toàn thị trường, tăng gấp đôi so với năm 2017, theo sau là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với mức tăng 27,9% (theo số liệu báo cáo tính đến 31/01/2019).
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt 2,17 triệu tài khoản, tăng 12,8% so với cuối năm 2017 (trong đó tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 24,4%).
Định giá thị trường cổ phiếu Việt Nam đang về mức hấp dẫn với chỉ số P/E thời điểm cuối năm 2018 đạt khoảng 15,5 lần, ngang với thời điểm tháng 8/2017. Mức định giá này đã giảm 32% từ mức đỉnh 23x vào T4/2018, trong khi đó hệ số ROE của VN-Index hiện đạt 20,8%, tăng so với mức 20,28% đầu năm 2018. Trên SGDCK Hà Nội (HNX) và UPCoM, mức định giá P/E thời điểm cuối năm lần lượt đạt 9x và 15x.
End of content
Không có tin nào tiếp theo