Thị trường

Sau một năm thực thi EVFTA: Những "trái ngọt" ban đầu

DNVN - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 1 năm thực thi, Việt Nam đã tận dụng tốt hiệp định và đem lại những "trái ngọt" ban đầu.

Tháng 7/2021: Xuất khẩu cà phê tăng 5,9% trị giá so với cùng kỳ 2020 / Những chính sách kinh tế chính thức có hiệu lực từ tháng 8

Giá trị thương mại tăng hơn 18%
Là một FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu và rộng nhưng đồng thời vẫn bảo đảm sự cân bằng lợi ích cho cả hai bên, EVFTA được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU.
Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Thương mại EVFTA diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Valdis Dombrovskis đã đánh giá cao việc triển khai có hiệu quả EVFTA sau gần một năm hiệp định được thực thi.

Ông Valdis Dombrovskis- Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu. (Ảnh: INT)
Theo ông Valdis Dombrovskis, EVFTA là một trong những kết quả thành công và cụ thể nhất cho mối quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam. Thương mại giữa hai bên đã tăng rất đáng kể trong những năm qua và tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thành tựu đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra trên toàn cầu. Và con số này sẽ tiếp tục tăng khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực sau khi Hiệp định này được phê chuẩn ở từng Quốc gia thành viên EU.
Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Đó là việc dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó việc cải thiện môi trường tạo thuận lợi thương mại - hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU…sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Ngay tại thời điểm có hiệu lực, 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế. Trong thập kỷ tới, con số này sẽ tăng lên gần 99%.
Tính riêng cho 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến 29,09%. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Chẳng hạn như sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD (tăng 3,73%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD (tăng 33,75%); rau quả đạt 63,8 triệu USD (tăng 12,5%).
"Như vậy có thể thấy, các sản phẩm thế mạnh của chúng ta như giày dép, dệt may, các sản phẩm nông, lâm nghiệp như gạo, sản phẩm từ cao su hiện vẫn giữ được "phong độ" và tận dụng tốt hiệp định này", ông Lương Hoàng Thái nhận định.
Cũng theo ông Lương Hoàng Thái, việc Việt Nam tham gia vào một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA với một đối tác lớn như EU đã tạo ra cho nước ta nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực tiềm năng đi kèm với mức độ áp dụng công nghệ cao vào những lĩnh vực đó.
"Có thể nói đến việc hợp tác với EU trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đây là lĩnh vực tiềm năng, theo đó nước ta có thể nhận được sự chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biên nông sản, thực phẩm. EVFTA và EVIPA là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận được tiềm năng về vốn, công nghệ của EU", ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Trên thực tế, hàng hoá FDI của EU là nguồn lực tạo sự đổi mới, tạo sức bật cho Việt Nam trong việc hội nhập. Bằng việc mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế thúc đẩy chuyển giao công nghệ, bổ sung hàng cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó cũng mở ra nhiều thị trường cho việc xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế, cũng như tạo ra động lực và quá trình chuyển đổi từ quốc gia có lực lượng tay nghề thấp sang tay nghề cao.
Thúc đẩy cải cách thể chế
Nhấn mạnh đến nội dung thúc đẩy cải cách thể chế kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, hiện chúng ta đang và cố gắng làm tốt là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để thực thi hiệp định và cải cách, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh.

Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên. (Ảnh: INT)
Kể từ khi Hiệp định được đưa vào hiệu lực cho đến nay, Việt Nam đã tích cực, chủ động và nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết của hiệp định, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung có thể tận dụng hiệu quả hiệp định này.
Một số văn bản pháp luật cũng đang được các bộ, ngành liên quan tiến hành ban hành mới hoặc sửa đổi để phù hợp với các cam kết đã có. Đồng thời, các đơn vị liến quan liên tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính tương thích với các cam kết của hiệp định, cũng như đưa ra những điều chỉnh kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi.
Chính phủ cùng các bộ, ngành đã tiếp tục nỗ lực đơn giản đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung, đồng thời tạo động lực cho thực thi những cam kết ưu đãi trong các FTA, trong đó có EVFTA nói riêng.
Có thể kể đến việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Với những nỗ lực này, ông Lương Hoàng Thái bày tỏ tin tưởng Việt Nam từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Qua đó sẽ tạo đà cho việc thực thi các FTA đạt hiệu quả cao nhất.
Bình luận về hành trình 1 năm triển khai EVFTA, ông Alain Cany- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, đối với Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, EVFTA là một trong những công cụ quan trọng nhất. Với việc hiệp định được thực thi trong 1 năm qua, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: “Nếu chúng ta muốn phát triển dựa trên nền tảng đầy hứa hẹn này, chúng ta cần phải cùng nhau hợp tác. EVFTA sẽ không thành công nếu không có nỗ lực phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Việc hiệp định được thực thi chưa phải là kết quả cuối cùng. Chúng ta cần duy trì nỗ lực trong thập kỷ tiếp theo tương tự như những gì chúng ta đã làm suốt 10 năm qua".
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm