Thị trường

Sẽ có nhiều hệ lụy nếu chậm mở lại đường bay quốc tế so với các nước khu vực

DNVN - Tham gia Toạ đàm “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?” sáng 10/11, đại diện Cục Hàng không, Cục lãnh sự, Tổng cục Du lịch, các chuyên gia đều nhấn mạnh sẽ có nhiều hệ lụy nếu chậm mở lại đường bay quốc tế so với các nước khu vực, bởi hiện là thời điểm thích hợp “thiên thời địa lợi”…

Hướng dẫn mới của Cục Hàng không về phương án khai thác sân bay Nội Bài / Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP

Đã có những bước chuẩn bị rất quan trọng

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng cho rằng: Ngày 8/11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở lại bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn cụ thể.

Theo đó, đề xuất nối lại bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không; đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.

“Tôi cho rằng, hiện đã là thời điểm phù hợp - “thiên thời địa lợi” để mở lại các đường bay quốc tế sau khi cân nhắc nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố các yếu tố khách quan và chủ quan”, GS.TS Trần Thọ Đạt nói.

Toạ đàm “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?” sáng 10/11

Xét về phương diện kinh tế, GS.TS Trần Thọ Đạt khẳng định nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố. Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4. Đợt dịch này có tác động rất lớn về y tế và kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam hiện đã đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2.

Về y tế và năng lực y tế, nhiều nước ở trạng thái như Việt Nam đã và đang mở đường bay quốc tế. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, sẽ lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục.

“Với phương châm không thể phong toả mãi, cần chung sống chủ động, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ phục hồi từng bước. Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào kiểm soát dịch đến đâu. Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật mạnh nhất và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch”, GS.TS Trần Thọ Đạt dự báo.

Khẳng định sự sẵn sàng tâm thế mở lại đường bay quốc tế và ngành hàng không đã có những bước chuẩn bị rất quan trọng để thực hiện tâm thế này, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh: Về vận tải hàng không, Việt Nam không bị đứt đoạn hoạt động vận chuyển mà là quá trình nối lại, quy định, tạo điều kiện cho khách từ nước ngoài vào Việt Nam.

Hiện nay, với các đường bay quốc tế, Việt Nam vẫn duy trì, dù không được thường lệ như trước đây, bởi nhiều nơi đã hạn chế các chuyến bay. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế và chắc chắn sẽ mở lại trong thời gian tới.

 

Theo ông Cường, trước đây các nước đều đóng cửa các đường bay quốc tế. Đơn cử, Hoa Kỳ đến 8/1 chính thức mở lại đưa công dân mình ra và đưa công dân các nước đến Hoa Kỳ. Đây là một sự kiện cực kỳ lớn đối với thế giới, họ phải đối mặt với thực trạng hành khách xếp hàng dài làm thủ tục nhập cảnh.

Trước đó, Thái Lan, Úc quyết định mở cửa biên giới, công dân Úc có điều kiện trở về thăm quê hương, gia đình. Thái Lan ngày 1/1 có quyết định bổ sung cho công dân 17 quốc gia đến không phải cách ly, trong đó có công dân Việt Nam. Singapore cũng bổ sung 4 quốc gia Đông Nam Á đến không phải cách ly, trong đó có Việt Nam đến không phải cách ly.

“Tôi cho rằng, đây là điều đáng mừng. Lý do người ta làm được là tích lũy kinh nghiệm phòng chống dịch, tiêm vắc xin diện rộng trong dân cư để tạo ra sức chống chọi COVID-19. Việt Nam đang đi theo hướng như vậy, chúng ta đã có những quan điểm thay đổi rất căn bản từ năm 2020 đến nay, từ be bờ đắp đất, Zero COVID sang sống chung với COVID. Quan điểm mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ là linh hoạt, thích ứng như vậy để phát triển kinh tế”, ông Cường nói.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông báo, ngay trong tháng 11 đã có những chuyến bay đầu tiên đưa khách du lịch đến Việt Nam. Hiện đã có 2 chuyến bay đến Cam Ranh (Khánh Hòa), khách du lịch đến theo đề án thí điểm du lịch của 5 địa phương gồm: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang.

Giai đoạn tiếp theo sẽ là mở cửa từng bước, trong đó có những thị trường trọng điểm mà Việt Nam quan tâm bởi năng lực chống dịch cũng như điểm tương đồng như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Lan, Nga...

 

Việt Nam đã cách ly rút ngắn 7 ngày. Tương lai, từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta có thể tính toán đánh giá có thể rút ngắn thời gian hoặc không cách ly với người tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng. Cục Hàng không Việt Nam cho rằng đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng để bước sang giai đoạn 2 và các điều kiện mở rộng thêm với khách được phép nhập cảnh Việt Nam.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm

Sau mở cửa từng bước, theo ông Cường, sẽ tới giai đoạn trở lại bình thường như trước dịch (giai đoạn 3). Chuyến bay thường lệ theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào ngày đầu của năm 2022. Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo dõi sát sao kinh nghiệm Thái Lan để vận dụng vào kế hoạch của Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ, với sự tin tưởng sẽ theo phương châm của Chính phủ là linh hoạt thích ứng, không cứng nhắc.

Cần thống nhất giữa các Bộ GTVT, Y tế, Văn hoá, Thể thao và Du lịch

 

Các ý kiến tại buổi toạ đàm nhấn mạnh sẽ có nhiều hệ lụy nếu Việt Nam chậm chân hơn các nước trong khu vực trong việc mở lại đường bay quốc tế an toàn.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bày tỏ sự “đang vô cùng sốt ruột” của các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước.

“Nếu tiếp tục duy trì trong thời gian dài nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ bị biến mất trên thị trường. Khi chúng ta mở cửa trở lại, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn so với các doanh nghiệp lớn, lâu năm. Xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với các nước trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu chúng ta chậm chân hơn trong khu vực”, ông Trung nói.

Cho rằng việc mở lại đường hàng không quốc tế là một vấn đề cấp thiết, PGS TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến nghị: “Quan trọng là ngành y tế phải có sự chuẩn bị. Cần có sự thống nhất giữa Bộ GTVT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế… để có có quy định cụ thể hơn khách nhập cảnh”.

Để tạo điều kiện tối đa cho du khách có hộ chiếu vaccine tới Việt Nam, GS.TS Trần Thọ Đạt đề xuất cần có thống nhất với các địa phương. Các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đang thấp mà có các địa điểm du lịch thì Chính phủ hỗ trợ đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng để du khách an tâm hơn trong thời gian tới.

 

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm