Thị trường

Siết chặt các hành vi vận chuyển, buôn lậu xăng dầu trên biển

Theo BNEWS.VN: Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã phát hiện 137 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép và gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công thương: ‘Giá xăng đáng lẽ phải tăng hơn 1.000 đồng’ / "Bảo bối" hành chính của cơ quan quản lý "hành" DN xăng dầu là gì?


Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, đơn vị đã đề nghị các ngành, lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng nâng cao việc đấu tranh, chống các hành vi vận chuyển, buôn lậu xăng dầu trên khu vực biển Tây Nam. Đồng thời, tiếp tục áp dụng giải pháp dán tem cột bơm xăng dầu; đẩy mạnh giám sát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để kiểm tra số lượng tiêu thụ, nhất là khu vực tại các cửa biển.

Siết chặt các hành vi vận chuyển, buôn lậu xăng dầu trên biển.

Siết chặt các hành vi vận chuyển, buôn lậu xăng dầu trên biển.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, phát hiện những bất cập để đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Điều này nhằm mục đích tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng khe hở để buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau, dù việc thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua tại địa phương đã đạt được những kết quả khả quan nhưng, tình trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Qua đó, tính từ đầu năm 2018 đến nay, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã phát hiện 137 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép và gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra 18 vụ thì đã phát hiện có đến 11 vụ vi phạm, với số hàng hoá vi phạm là trên 12.000 lít dầu DO và hơn 400 lít xăng RON 95. Bên cạnh đó, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên biển, lực lượng Bộ đội Biên Phòng và Cảnh sát biển (Hải đội 402) đã phát hiện tổng cộng 16 vụ vi phạm, tịch thu hơn 4 triệu lít dầu DO được buôn bán, vận chuyển trái phép.

Ngoài ra, ngành thuế và lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã kiểm tra và phát hiện 110 vụ gian lận thương mại xăng dầu, từ đó, ngành chức năng đã xử lý truy thu thuế và phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước với số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai áp dụng giải pháp dán tem cột bơm xăng dầu của 345 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Thực hiện giải pháp này, tính đến đầu tháng 9, ngành thuế tỉnh Cà Mau đã kiểm tra 45 doanh nghiệp thì có đến 38 trường hợp có sai phạm, từ đó, số thuế bị xử lý truy thu và nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 1,1 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Vũ Phong, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau cho biết, từ khi tỉnh Cà Mau triển khai kế hoạch 410/KH-BCĐ 389 Quốc gia đến nay, việc thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra, kiểm tra vẫn còn chưa tương xứng với tình hình thực tế khi lượng xăng dầu bị buôn lậu, mua bán, sang mạn trái phép tại khu vực biển Tây Nam được phát hiện lớn, có vụ phát hiện hơn 1 triệu lít dầu DO.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó việc giá xăng dầu trong nước hiện cao hơn so với các nước trong khu vực. Thế nên, một số đối tượng đã cải hoán phương tiện tàu cá thành tàu chứa dầu và thu mua dầu từ nước ngoài rồi vận chuyển về vùng biển Việt Nam để bán lại cho các phương tiện khai thác để hưởng chênh lệch.

Đáng lưu ý là việc ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa cao đã gây nên tình trạng kinh doanh xăng dầu có chất lượng chưa phù hợp; giao, nhận xăng dầu ngoài hệ thống đại lý phân phối…Hơn nữa, vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp có cửa hàng kinh doanh không đảm bảo tiêu chuẩn kinh doanh xăng dầu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro./.

Theo TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm