Siết hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, quyết tâm thoát "thẻ vàng" EU
Xăng tăng giá lên gần 24.000 đồng/lít / Việt Nam - Mông Cổ ký kết ghi nhớ về thương mại gạo bền vững
Áp lực gỡ “thẻ vàng” trong 6 tháng tới
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, tháng 10 vừa qua, đoàn kiểm tra về đánh bắt thuỷ hải sản không hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EU đã đến Việt Nam làm việc. Đoàn công tác EU đánh giá rất cao nỗ lực của phía Chính phủ Việt Nam trong quyết tâm nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU.
Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn một số vấn đề phát sinh. Đặc biệt, trong báo cáo giám sát trong tháng trước, EU đã đưa Việt Nam vào trong “tầm ngắm”. Phía EU đã nghiên cứu toàn bộ chu trình phát triển của thuỷ hải sản Việt Nam trong năm qua và đưa ra rất nhiều nhận xét cũng như khuyến nghị về giám sát an toàn thực phẩm.
Trước đó, để triển khai những khuyến nghị này, 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục An toàn sức khoẻ và An toàn thực phẩm (DG-SANTE) của EU đã tiến hành thẩm định về an toàn thực phẩm của thuỷ hải sản Việt Nam.
Theo báo cáo sau kiểm tra của phía EU đưa ra, lấy xác suất 20% của các lô hàng Việt Nam vào EU thì 7,3% là không đạt yêu cầu. Với EU, ngưỡng này là cực kỳ nghiêm trọng, bởi vì hàng thuỷ hải sản vào EU là những doanh nghiệp đã được cấp mã xuất khẩu (EU code). Những doanh nghiệp đã được cấp mã code trước khi xuất sang EU lại được kiểm tra về giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT.
“Điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam đã triển khai một số biện pháp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng thuỷ hải sản. EU đã đưa ra cảnh báo, nếu Việt Nam không cải thiện tình hình này thì sẽ đứng trước những triển vọng còn xấu hơn trong tương lai, thậm chí đứng trước ngưỡng cửa bị hạn chế xuất khẩu thuỷ hải sản vào EU”, ông Quân cho hay.
Từ thực tế này, Tham tán thương mại khuyến nghị các ban, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cần gây ra nhiều sức ép hơn, hướng dẫn nhiều hơn đối với ngư dân, doanh nghiệp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các giải pháp chống IUU tốt trên thực tế, chứ không chỉ tốt trên văn bản cũng như trên các chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành.
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đang phối hợp làm việc với Tổng vụ nghề cá, DG SANTE để theo dõi, giải thích về các trường hợp của Việt Nam.
Phía EU cũng đã hứa trong vòng 6 tháng tiếp theo, nếu phía Việt Nam có triển vọng tốt trong đánh bắt thực tế thì EU sẽ xem xét gỡ bỏ “thẻ vàng” trước khi EU chuyển vào bầu cử nghị viện.
Còn nếu không thực hiện trong 6 tháng tới, kế hoạch gỡ bỏ "thẻ vàng" sẽ càng mất nhiều thời gian hơn vì EU cần nhiều thời gian để ổn định thể chế trước khi xem xét các vấn đề liên quan tới thuỷ hải sản Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng sẽ tiếp tục làm việc với DG SANTE để tiếp tục bàn về một số trường hợp đặc biệt đối với xuất khẩu thuỷ hải sản vào EU. Tuy vậy, điều quan trọng là DN Việt Nam và các địa phương cần phải lưu ý tập trung nhiều hơn vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Dự báo xuất khẩu 2023 sang EU giảm nhẹ
Dẫn báo cáo gần đây nhất của tổ chức giám sát thương mại và sản xuất thuỷ sản của Liên minh châu Âu, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, thị trường thuỷ hải sản của EU đang ngày càng phát triển. Người dân châu Âu đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn để mua cá và hải sản.
EU được cho là đơn vị tiêu thụ rất nhiều cá và hải sản. Mức độ tiêu thụ trung bình khoảng 8,1 kg/người/năm.
Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2023 tổng lượng thuỷ hải sản nhập khẩu của EU giảm 7%. Trong nhóm các nước xuất khẩu nhiều thuỷ hải sản vào EU thì Việt Nam ghi nhận mức giảm nhiều nhất lên tới 32%. Tiếp đó là Ấn Độ giảm 20%, Anh giảm 11%, Thái Lan giảm 9%, Ecuador giảm 8%, riêng Trung Quốc tăng 3,5%.
Theo ông Quân, có 3 nguyên nhân khiến EU giảm nhập khẩu thuỷ, hải sản Việt Nam. Thứ nhất, số lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhiều so với năm 2022. Thứ ha, sản lượng thuỷ hải sản được sản xuất tại thị trường nội địa EU tăng 3% .Thứ ba, giá xuất khẩu giảm. 9 tháng năm 2023, mức giá xuất khẩu thuỷ sản vào EU giảm 17% so với năm 2022.
Dự báo những tháng còn lại năm 2023, EU tiếp tục tăng nhập khẩu nhưng lượng tăng trưởng sẽ không đột biến và sẽ quay lại mức tăng trưởng thường kỳ năm 2021 - 2022, nghĩa là lượng thuỷ hải sản nhập khẩu của EU trong 2023 chỉ tối đa đạt ngưỡng của năm 2022. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm nhẹ so với năm 2022.
End of content
Không có tin nào tiếp theo