Thị trường

Số lượng mặt hàng cần kiểm tra chuyên ngành không giảm như yêu cầu của Thủ tướng

DNVN - Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chỉ ra tại buổi làm việc sáng 21/8 với các bộ, ngành nhằm kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật còn nợ đọng và tình hình thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh.

3 trường hợp doanh nghiệp sản xuất ô tô phải triệu hồi sản phẩm / Hướng dẫn mới về ưu đãi đầu tư đối với Khu công nghiệp, Khu kinh tế

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ghi nhận sự cố gắng của các bộ, cơ quan trong việc thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua.
Liên quan đến điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Tổ công tác của Thủ tướng thống nhất đánh giá, vừa qua, các bộ đã rất quyết liệt, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các phương án, ban hành các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, môi trường kinh doanh được cải thiện rất tích cực, rất mạnh. Điều đó được chứng minh qua việc rất nhiều doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp và rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: VGP)

"Không bao giờ chúng ta có được sự phát triển xuất-nhập khẩu hàng hóa lớn như bây giờ, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước rất mạnh so với doanh nghiệp FDI. Chúng ta quản lý tốt, sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu. Sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam tăng nhiều", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những ý kiến đề nghị cần xem xét thực chất hơn nữa hiệu quả của việc cắt giảm này. Trước lãnh đạo 14 bộ, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới hàng loạt ý kiến từ nhiều phía.
Cụ thể, có ý kiến nói trong 6 tháng đầu năm nay, cải cách quản lý kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm, chủ yếu vẫn từ tiền kiểm sang hậu kiểm chứ không phải giảm số lượng mặt hàng cần kiểm tra như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng.
Hay có ý kiến cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, một số việc đã được giao tại nhiều nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng nhưng các bộ chậm sửa đổi, nhất là việc sửa đổi các văn bản pháp luật; thời gian xử lý thủ tục sau cắt giảm không thay đổi, thậm chí có nơi kéo dài tới 3 tháng mới nhận được văn bản trả lời.
Ngoài ra, theo phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tới 355 văn bản, rất khó cho doanh nghiệp thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ.
Qua đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, tinh thần của năm 2019 là tiếp tục rà soát theo tinh thần Nghị định 62, tiếp tục rà soát điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa và cắt bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành mang tính thực chất. Thời hạn là trước quý 3-2019, đề nghị các bộ, lãnh đạo các bộ thống nhất quán triệt tinh thần Nghị quyết 02, tiếp tục rà soát, những gì tháo gỡ khó khăn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; đề nghị không đưa định lượng chung chung để tạo ra kẽ hở, tiêu cực và tham nhũng vặt.
Minh Thu (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm