Sóc Trăng: Nông dân thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò sữa
Năm 2014, Heifer Việt Nam (trực thuộc tổ chức Heifer Quốc tế - một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hàng đầu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững cho nông hộ nhỏ) đã triển khai dự án “Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng”.
Trong thời gian 5 năm, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, theo đó, giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, ổn định kinh tế.
Tính đến đầu năm nay (2019), toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển gần 9.500 con bò sữa, tập trung nhiều ở 4 địa phương Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề và Mỹ Tú, với sản lượng sữa bình quân mỗi ngày đạt 28 tấn. Ngoài ra, có 124 nhóm tham gia dự án với gần 3.000 thành viên, trong đó thành viên nữ chiếm trên 60%.
Sau 5 năm triển khai, dự án đã cho nhiều kết quả nổi bật, trong đó phải nói đến mức thu nhập bình quân của nông hộ chăn nuôi bò sữa tham gia dự án. Khi dự án mới bắt đầu, thu nhập chỉ có 43 triệu đồng/hộ/năm, nay đã tăng lên gần 132 triệu đồng/hộ/năm, đây là mức tăng mạnh về thu nhập cũng như sự tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo của hộ chăn nuôi khi tham gia dự án.
Ông Sơn Hang, hộ nuôi bò sữa ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, tham gia dự án, anh được hỗ trợ vốn vay làm chuồng, máy cắt cỏ, máy vắt sữa cho đến kỹ thuật chăn nuôi. Từ đó, mà bò sữa của ông không ngừng nâng cao sản lượng và chất lượng.
"Nói chung, về kỹ thuật và dinh dưỡng chăn nuôi con bò sữa người nông dân được dự án hỗ trợ rất đầy đủ. Theo bản thân tôi thì việc tham gia dự án, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế rất cao, thu nhập ổn định. Dự án hỗ trợ làm chuồng, xây dựng công trình Biogas, giúp môi trường chăn nuôi xanh, sạch, không bị ô nhiễm" - ông Sơn Hang chia sẻ.
Bên cạnh thu nhập, hoạt động dự án còn giúp tạo công ăn việc làm cho các hộ, tạo thêm động lực thúc đẩy phong trào nuôi bò tại địa phương, giúp các hộ sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn bao gồm lao động, đất đai, phụ phế phẩm nông nghiệp,...
Ngoài ra, tăng cường năng lực quản lý của các cấp lãnh đạo địa phương trong quản lý phát triển nông thôn, cũng như năng lực trong việc quản lý nhóm, quản lý tài chính cho các thành viên trong nhóm tham gia dự án.
Đặc biệt, khi tham gia dự án các nông hộ hình thành thói quen trồng cỏ, trữ rơm, ủ chua cỏ và bắp để đảm bảo có đủ thức ăn khi có hạn hán xảy ra, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi trong hộ. Đồng thời, các hộ chăn nuôi còn được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, cải thiện cả về chất lượng và số lượng sữa trong chăn nuôi.
Ông Phạm Minh Tú, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Tôi tâm đắc nhất mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến của dự án hiện nay đang hỗ trợ bà con. Khi tham gia dự án mỗi một mô hình thì bà con sẽ được hỗ trợ từ 80-90 triệu đồng, không tính lãi để thực hiện mô hình. Nguồn vốn này sẽ được bà con đầu tư tăng đàn bò.
Qua theo dõi hoạt động của dự án chúng tôi thấy rằng, nếu hộ chăn nuôi từ 5-7 con bò sữa trở lên; trong đó có 3 đến con bò đang vắt sữa, thì mới phát triển được nghề chăn nuôi. Rồi hình thức hỗ trợ cho mượn 2 con, sau này khi có đẻ ra con bê con đến bằng trọng lượng như ban đầu thì mình sẽ chuyển giao tiếp cho hộ mới. Còn một phần kinh phí thì mọi người hỗ trợ đầu tư chuồng trại làm sao đảm bảo yếu tố kỹ thuật".
Thông qua dự án “Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng” còn giúp nâng cao vai trò phụ nữ ở cộng đồng và nâng cao nhận thức của nông hộ về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Người chăn nuôi nâng cao năng lực quản lý kinh tế nông hộ và tiếp cận thị trường, áp dụng kỹ thuật tiên tiến giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tham gia vào chuỗi giá trị hướng tới phát triển chăn nuôi bò một cách bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo