Sơn La: Chuyện nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện của HTX thủy sản Hồ Quỳnh
Quốc tế đánh giá cao chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam / An Giang: Mô hình trồng rừng kết hợp làm vườn và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao
Chuyện nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở Sơn La giờ đây không phải là chuyện hiếm. Chính vì vậy, muốn khẳng định được chất lượng và thương hiệu đòi hỏi HTX thủy sản Hồ Quỳnh phải có lối đi riêng.
Luyện tập thể dục cho...cá
Với số lượng lồng cá là 78, trong đó HTX tập trung vào nuôi cá lăng và cá trắm đen vì đây là những giống cá có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Việc đầu tiên, các thành viên hướng tới chính là tập trung nâng cao chất lượng. Ngoài chú trọng chăm sóc theo quy trình an toàn VietGAP, điều đặc biệt là các thành viên đã chú trọng kỹ thuật huấn luyện cá “tập thể dục” để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Ban Giám đốc HTX Hồ Quỳnh, điểm nổi bật để cạnh tranh trên thị trường hiện nay của HTX là cá săn chắc, bụng lép, không có mỡ do được tập bơi lội hàng ngày.
Để làm được điều này, các thành viên đưa cá lên khỏi mặt nước từ từ, mỗi hôm lên cao khoảng 30 cm để cá dần thích nghi với môi trường. Khi cá cách mặt nước khoảng 30cm, nó sẽ tự ngoi lên khỏi mặt nước, quẫy đuôi bơi lội. Lúc này, cá hoạt động phần đuôi nhiều nên theo từng ngày thịt cá sẽ săn chắc hơn.
Tuy nhiên nhằm giúp cá không bị “mệt”, các thành viên phải tăng thời gian tập luyện của cá từ từ. Nếu không bảo đảm được việc này, nhẹ thì cá sẽ bị trầy da, tróc vảy và nhiễm một số bệnh, nặng thì sẽ bị chết do mất sức.
Anh Phí Hải Vân, thành viên HTX, cho biết phương pháp nuôi cá “tập thể dục” tuy không phải đầu tư thêm thiết bị, nhưng lại yêu cầu người nuôi phải kiên trì và áp dụng đúng thời gian biểu, tốn khá nhiều công sức.
Khi cá đủ 18 tháng, đạt trọng lượng trung bình khoảng 4-5 kg/con, các thành viên bắt đầu cho cá “tập thể dục”, kéo dài liên tục trong vòng 6 tháng. Mỗi ngày, cá tập 2 lần, duy trì trong từ 30 phút tăng lên 1 giờ hoặc 1 giờ 30 phút.
HTX chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để giải quyết vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện (Ảnh: TL)
Song song đó, HTX kết hợp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay vì cho ăn 2 lần/ngày thì nay 3 ngày cá mới được ăn một lần, thức ăn chủ yếu là cá tép dầu nhỏ được đánh bắt tự nhiên, sắn củ tươi cắt miếng, ngô say bột.
Tùy vào từng loại, cá được cho tập thể dục trong 6 tháng sẽ giảm trọng lượng từ 0,4 - 0,7 kg. Tuy giảm cân, nhưng thịt cá săn chắc, được khách hàng ưa chuộng nên đầu ra thuận lợi hơn. Thông thường, cá lăng chỉ bán được 70 - 90 nghìn đồng/kg thì cá của HTX bán được 120 -170 nghìn đồng/kg.
Tính ra, cách chăm sóc cá của HTX không những không bị thiệt về kinh tế mà còn thu được lãi cao hơn, quan trọng là sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Nhờ đó, sản phẩm HTX làm ra luôn ở trong tình trạng “cung” không đáp ứng đủ “cầu”. Thời gian bị dịch Covid-19, tuy phải tạm dừng cung cấp cá cho các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp ở Hà Nội nhưng trước thời gian giãn cách xã hội, HTX đã tìm được đầu mối tiêu thụ tại Điện Biên và các huyện lân cận. Với số cá còn lại, các đơn vị ký kết thu mua sản phẩm của HTX vẫn cam kết sẽ mua sau khi hết dịch. Tuy phải kéo dài thời gian nuôi cá nhưng HTX vẫn vui vì đầu ra không quá khó khăn.
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La từ năm 2016, đến nay, các thành viên HTX nhận thấy, ngoài tuân thủ quy trình nuôi, muốn phát triển bền vững thì cần gắn với bảo tồn, bảo vệ môi trường lòng hồ vì đây là hồ đa năng (thủy điện, du lịch, điều tiết nước…).
Khu vực lồng nuôi của HTX luôn bảo đảm nằm trong vùng quy hoạch đã được duyệt nhằm có thể khai thác lòng hồ để phục vụ nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn bảo đảm bảo vệ tốt các bãi cá tự nhiên.
Các hình thức khai thác bằng chất nổ, xung điện, chất độc đều được loại bỏ để bảo đảm quy trình sản xuất VietGAP, bảo vệ nguồn lợi thủy sản không bị tận diệt.
Tuy nhiên, điều khó khăn của các thành viên HTX hiện nay là do không có tài sản thế chấp, việc hạch toán kinh doanh, hoạch toán kế toán chưa đầy đủ nên khó khăn trong việc vay được vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác phục vụ công đoạn mở rộng sản xuất.
Chính vì vậy, HTX mong các cấp ngành tạo điều kiện tiếp cận với các nguốn vốn để hoạt động sản xuất được thuận lợi hơn, từ đó có thể giúp HTX tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế các lòng hồ thủy điện Sơn La, đồng thời liên kết các hộ dân, xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cho cá "tập thể dục" giúp nâng cao chất lượng nhưng đòi hỏi các thành viên HTX thủy sản Hồ Quỳnh phải mất nhiều công sức (Ảnh: TL)