Thị trường

Hà Giang: Làm giàu từ cây Hồng không hạt

Tận dụng đất vườn của gia đình nhân rộng cây hồng không hạt (HKH) để nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định, vươn lên làm giàu. Anh Vương Trung Hùng (sinh năm 1974), dân tộc Nùng, thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận có thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng cây HKH địa phương.

Lạng Sơn: Làm giàu từ chăn nuôi gia cầm / Thanh Hóa: Hiệu quả mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học

Theo lời kể của người dân, cây HKH đã có từ rất lâu, ở thôn Phín Ủng còn 3 cây HKH cổ đã hơn 200 năm tuổi. Loài cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và cho năng suất khá cao, quả lại ngon, giòn, ngọt… anh Hùng đã bàn bạc với gia đình chuyển đổi từ trồng cây ngô, cây lúa sang trồng cây ăn quả. Anh Hùng cho biết: “Với mục đích đưa HKH đến với nhiều thực khách cũng như nhằm nâng cao nguồn thu nhập; năm 1996, gia đình tôi bắt đầu trồng 30 cây và chăm sóc cây Hồng tổ. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên cây không sai quả. Nhận thấy loài quả này được nhiều người ưa thích, anh đã chủ động tìm hiểu qua sách, báo, tivi và nhờ sự hướng dẫn của các cán bộ nông nghiệp với mong muốn nâng cao chất lượng HKH. Đến nay, gia đình đã mở rộng được hơn 1,8 ha, với 240 cây gốc, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinhh tế cao. Trung bình mỗi năm thu được 40 tấn quả”. Đồng thời, anh Hùng còn nghiên cứu cắt rễ ươm giống cây HKH, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 500 - 600 cây giống cho người dân địa phương. Không chỉ vậy, anh Hùng còn chăn nuôi thêm 40 con lợn và 1 ao cá, nhằm tạo thêm nguồn thu nhập và việc làm cho nhiều lao động trong thôn.

Anh Vương Trung Hùng, thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) kiểm tra vườn Hồng không hạt.

Anh Vương Trung Hùng, thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) kiểm tra vườn Hồng không hạt.

Cùng chúng tôi đến thăm vườn HKH của gia đình anh Hùng, đồng chí Lê Thanh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, cho biết: Khác với HKH ở các địa phương khác, HKH ở Nghĩa Thuận quả nhỏ, khi ngâm không bị rụng cuống, vỏ giòn, bóc ra nhiều bột cát, giòn, vị ngọt thanh. Năm 2017, sản phẩm HKH ở Quản Bạ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận bảo hộ và Chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, cây HKH hay bị sâu đục thân, mưa nhiều quả dễ bị rụng, khô đầu cành vào tháng 4,…Những năm qua, chính quyền địa phương và các hộ đã thử nghiệm nhiều giải pháp, phối hợp với các nhà nghiên cứu đến thí điểm phòng, chống các dịch bệnh từ cây HKH, nhưng vẫn chưa có hiệu quả lâu dài”.

Đồng chí Lê Thanh Chiến cho biết thêm: “Không chỉ là một tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, anh Hùng thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ vốn cũng như cây giống cho nhiều hộ nghèo trong thôn, xã. Góp phần giúp thôn Phín Ủng có 80/115 hộ dân trồng từ 20 cây HKH trở lên, nâng cao thu nhập…Bằng ý chí quyết tâm, sự chăm chỉ, sáng tạo, nhiều năm qua, anh và gia đình đã vinh dự được nhận Giấy khen, Bằng khen của các cấp trong phong trào thi đua, lao động sản xuất giỏi”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm