Tài chính - ngân hàng

Áp lực giải ngân vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội là rất lớn

DNVN - Kiểm toán Nhà nước cho biết, áp lực giải ngân số vốn còn lại của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn. Việc thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn theo cam kết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rất khó khả thi.

Tỷ lệ giải ngân của một số địa phương vẫn rất thấp / Ngành giao thông cần giải ngân hơn 38.000 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm

Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết, tiến độ giải ngân của nhiều dự án thuộc Chương trình rất chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.

Tính đến ngày 25/7/2023, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ vốn hằng năm cho các dự án thuộc Chương trình là 126.801,2 tỷ đồng (năm 2022 là 18.584,9 tỷ đồng; năm 2023 là 108.216,3 tỷ đồng), đạt 72,37% mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong 2 năm 2022 - 2023. Số còn lại chưa phân bổ là 48.416,5 tỷ đồng, trong đó có 66 dự án chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm (lần đầu) với số tiền 17.589,4 tỷ đồng.

Lũy kế vốn giải ngân đến 30/6/2023 là 25.570,5 tỷ đồng, đạt 14,6% số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong 2 năm 2022-2023 và đạt 20,5% số vốn hằng năm các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ.

“Như vậy, áp lực giải ngân số vốn còn lại của Chương trình trong những tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn. Việc thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn theo cam kết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rất khó khả thi”, báo cáo chỉ rõ.

Áp lực giải ngân số vốn còn lại của Chương trình trong những tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn.

Kết quả kiểm toán tổng hợp cũng cho thấy tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tại thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023) có 21 dự án chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm, 59 dự án chưa thực hiện giải ngân vốn.

Việc giải ngân chậm là do danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án trình Quốc hội, trong đó các dự án thuộc lĩnh vực y tế mới chỉ xác định được các đơn vị cần đầu tư. Do đó, phải thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất lại danh mục, dẫn đến mất nhiều thời gian và chậm ban hành thông báo mức vốn của Chương trình.

Hoạt động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ về xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2022 cho các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình chưa kịp thời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa kịp thời rà soát, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn năm 2022 để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm.

Cùng với đó, đa số các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ yếu đăng ký các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án) nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao. Một số bộ, cơ quan và địa phương chưa chủ động tích cực và kịp thời thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo yêu cầu. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chậm giao vốn, chậm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chậm triển khai thi công các dự án.

Mặt khác, trong tổng số 219 dự án được thông báo danh mục và mức vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư tại Văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, có 50 dự án chậm so với yêu cầu. Đến ngày 28/6/2022 còn 25 dự án thuộc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa đề xuất giao vốn giai đoạn .

Ngoài ra, qua kết quả kiểm toán tại một số bộ, cơ quan trung ương cho thấy, Bộ Tài chính chưa có phương án, đề xuất giải pháp để theo dõi riêng số giải ngân nguồn vốn của Chương trình nên việc tổng hợp số vốn giải ngân cho nhiều dự án gặp khó khăn. Việc bố trí và thực hiện giải ngân nguồn vốn đối ứng của địa phương chưa phù hợp với tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm