Cần phân tích kỹ hơn việc chi hỗ trợ cho doanh nghiệp
DNVN - “Khuyến nghị cho Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022” vừa được Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) công bố nhấn mạnh dự toán cần phân tích kỹ hơn việc chi hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhóm yếu thế.
Đề xuất Chính phủ dùng NSNN đặt mua khẩu trang vải cho người dân / Tốc độ tăng vốn đầu tư từ NSNN đạt kỷ lục 5 năm
Bản “Khuyến nghị cho Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022” được tổng hợp dựa trên ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội, thanh niên, người lao động, chuyên gia và các cơ quan truyền thông về Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022.
Đây cũng là vấn đề trọng tâm về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – NSNN giai đoạn 2022-2024 mà Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đang thảo luận.
Theo đó, thực hiện quy định của Luật NSNN 2015, ngày 22/10/2021, Bộ Tài chính đã công bố “Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội” (hay còn gọi là Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022), đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo.
Bản “Khuyến nghị cho Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022” mà BTAP, CDI, VESS vừa công bố đánh giá: Bộ Tài chính đã thực hiện tốt các quy định pháp luật về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân trong quản lý NSNN, trong đó công khai đúng quy định và thực hiện tham vấn ý kiến của người dân về Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
So với dự toán NSNN năm 2021, Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022 có một số thay đổi tích cực. Dự thảo có đánh giá và thuyết minh định hướng cơ bản về thay đổi thu chi tiêu NSNN; thận trọng hơn khi dự báo tổng thu cân đối NSNN 2022; đã chỉ ra xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh dù còn chưa thực sự rõ nét, đồng thời, đã điều chỉnh kịp thời tỷ lệ phân chia NSNN của một số địa phương như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
“Khuyến nghị cho Dự thảo Dự toán NSNN năm 2022”, BTAP, CDI, VESS đưa ra đề xuất 3 vấn đề mà Dự thảo cần lưu ý khi hoàn thiện.
Thứ nhất, phân tích đánh giá kỹ hơn về chi NSNN 2022, nhất là chi hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp của các nhóm yếu thế trong đó có doanh nghiệp của người khuyết tật và người dân vượt qua đại dịch.
Thứ hai, xem xét các khoản chi hỗ trợ cho đào tạo lại lao động, đẩy nhanh quá trình lao động trở lại các thành phố và khu công nghiệp.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho xây dựng hạ tầng an sinh xã hội và các công trình công phục vụ lao động tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp tập trung như: trường học, bệnh viện, không gian công cộng, nhà ở cho lao động nhập cư...
Ngoài ra, việc thiết kế, triển khai các gói chính sách hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 cần chú ý tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn, thực hiện càng sớm càng tốt; tiếp cận theo cách phổ cập nhóm; mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt “mức sống tối thiểu” và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly/giãn cách cộng đồng.
Đảm bảo ngân sách hỗ trợ để chính sách được thực hiện đồng đều ở các địa phương. Đặc biệt là các địa phương chưa tự chủ ngân sách.
Giám sát quá trình thực thi chính sách hỗ trợ để đảm bảo các khoản hỗ trợ được thực hiện nhanh, đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực thi chính sách hỗ trợ để hạn chế trùng lắp, gian lận và đảm bảo tính kịp thời của các gói hỗ trợ. Cần điều chỉnh chính sách về nộp bảo hiểm xã hội để đảm bảo khi người lao động buộc phải nghỉ việc do phải đi cách ly (14-21 ngày) thì vẫn được đóng bảo hiểm xã hội, không bị gián đoạn (theo quy định hiện hành).
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo
Một doanh nghiệp thuộc nhóm yếu thế.