Có hiện tượng khách hàng nợ xấu nhập nhóm "bùng" nợ trên mạng xã hội
Năm 2023 sẽ kiểm toán 14 tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức tài chính, ngân hàng / Hiện có gần 900.000 tỷ đồng tồn quỹ ngân sách Nhà nước được gửi ngân hàng
Đánh giá hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các TCTD đã chủ động ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nghiêm túc thực hiện cam kết giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng. Từ đó, lập lại mặt bằng chung lãi suất huy động và trên cơ sở năng lực tài chính giảm lãi suất dư nợ hiện hữu cũng như những khoản cho vay mới từ 0,5-3%/năm
Năng lực tài chính của các ngân hàng được củng cố; chất lượng quản trị, điều hành được nâng cao. Đến nay, có 25 ngân hàng đủ điều kiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới với tổng vốn mới lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở Top đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu. 95% các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hoạt động của các TCTD còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, sức hấp thụ vốn nền kinh tế thấp. Mặc dù các TCTD đã giảm lãi xuất cho vay tương đối sâu song tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt trên 4% trong 6 tháng đầu năm 2023. Khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.
Các rủi ro tội phạm công nghệ liên quan tới quá trình chuyển đổi số do ứng dụng công nghệ trong giao dịch và quản lý thông tin, dữ liệu khiến ngân hàng trở thành đối tượng chú ý của tội phạm công nghệ với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn.
“Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc. Một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng”, ông Hùng cho biết
Cũng theo ông Hùng, hiện nay, các doanh nghiệp hết sức khó khăn. Gần như các nguồn lực dự trữ không còn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ ngành đánh giá đúng thực trạng khó khăn liên quan.
Trên cơ sở đó trình Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (như thời điểm dịch COVID-19) đối với những chính sách vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành địa phương đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý đối với những dự án dở dang, nhà ở xã hội; triển khai luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao vai trò quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng cho các ngân hàng thương mại như các doanh nghiệp khác để có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó, cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023.
“Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin Truyền thông các bộ ngành khác tăng cường và có giải pháp xử lý triệt để tội phạm mạng hiện nay, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán”, ông Hùng kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo