Tài chính - ngân hàng

Không nên "bỏ quên" nguồn vốn từ ngân hàng xanh khi thực hiện cam kết COP26

DNVN - Ông Donald Lambert - Trưởng Ban Phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, khi thực hiện cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam còn "bỏ quên" nguồn vốn liên quan đến các ngân hàng xanh.

“Bàn” giải pháp nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành xoài / Doanh nghiệp bảo hiểm cần thích ứng để phát triển bền vững

Ông Donald Lambert - Trưởng Ban Phát triển khu vực tư nhân của ADB cho biết, để thực hiện đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam cần nguồn vốn 11 - 14 tỷ USD/năm cho cơ sở hạ tầng năng lượng.

Đây là lượng vốn rất lớn mà nếu vay từ các đối tác phát triển sẽ lo ngại về nợ công, nên Chính phủ đang tập trung vào nguồn vốn tư nhân. Tuy nhiên, nguồn vốn chưa khai thác mà Chính phủ nên ưu tiên là từ các ngân hàng xanh.

“Với tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP là 140%, tín dụng ngân hàng là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và do vậy, nguồn vốn này phải đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam”, ông Donald Lambert cho biết.

Việt Nam còn nguồn vốn từ ngân hàng xanh để thực hiện cam kết COP26.

Theo Trưởng Ban Phát triển khu vực tư nhân của ADB, nếu các ngân hàng trong nước có thể đi đầu trong các khoản vay xanh quy mô nhỏ, thì các đối tác phát triển có thể chủ trì những khoản vay xanh có tính sáng tạo. Do đây là các khoản vay tư nhân nên sẽ không được tính vào nợ Chính phủ.

Các đối tác phát triển không chỉ mang nguồn tiền của mình đến cho các dự án xanh mà còn cả nguồn vốn đồng tài trợ quốc tế.

Đối với các dự án mà ADB đồng tài trợ tại Việt Nam, số vốn vay trị giá 428 triệu USD của ADB đã huy động thêm 663 triệu USD vốn tài trợ quốc tế.

Tuy nhiên, ông Donald Lambert chỉ rõ, hiện nay đối với hầu hết các ngân hàng, nghiệp vụ ngân hàng xanh chỉ hạn chế ở việc tài trợ cho các cam dự án điện mặt trời quy mô lớn. Ngân hàng xanh liên quan tới nhiều thứ hơn thế, bao gồm hàng loạt khoản đầu tư có tác động chung nhưng quá nhỏ để được tài trợ thông qua trái phiếu xanh. Các ngân hàng có vị trí thuận lợi nhất để cho các doanh nghiệp vay vốn đáp ứng nhu cầu này.

Tại Việt Nam, ADB đang tìm cách làm việc với Chính phủ về một nghiên cứu khả thi để cung cấp thông tin về nguồn vốn tài trợ tiềm năng, đáp ứng các cam kết giảm phát thải cácbon bằng 0, trong khi vẫn đảm bảo cung cấp điện đáng tin cậy và giá cả phải chăng.

“Để chắc chắn nguồn tài chính xúc tác này cho các dự án xanh sáng tạo, Chính phủ cần bảo đảm một môi trường thuận lợi. Mọi sửa đổi đối với Thông tư 12/2022/TT-NHNN, ngày 30/9/2022 không hạn chế các khoản vay xanh. Chính phủ cũng cần tôn trọng quyền miễn trừ theo các điều ước quốc tế đối với dự án của các đối tác phát triển”, ông Donald Lambert khuyến nghị.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy hoạt động ngân hàng xanh, Chính phủ cần hoàn thiện và công bố danh mục phân loại về điều kiện được coi là tài sản xanh để các ngân hàng hiểu rõ về những khoản nào được coi là khoản vay xanh.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy định hướng dẫn, bao gồm các cơ chế khuyến khích, chẳng hạn có thể được thực hiện song song với quy định mức trần tăng trưởng tín dụng.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm