Tài chính - ngân hàng

Năm 2024, quyết liệt cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu

DNVN - Báo cáo tại họp báo Triển khai nhiệm vụ của ngân hàng 2024, sáng ngày 3/1, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhấn mạnh, năm 2024, NHNN triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

NHNN nâng lãi suất điều hành: Kiềm chế lạm phát và giảm áp lực tỷ giá / NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành ngân hàng đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách. NHNN đã ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Qua đó, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, năm 2024, NHNN triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Ảnh: Hà Anh.

NHNN đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.

Cùng với đó, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước. Góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền.

Nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.

Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện.

Nhấn mạnh về giải pháp trọng tâm năm 2024, theo Phó Thống đốc NHNN, NHNN tập trung theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

“NHNN tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%”, ông Tú nói.

Đồng thời, NHNN đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm