Tài chính - ngân hàng

Nhiều dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa

DNVN - Dù số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7/2023 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, 42,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, chỉ hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế.

Tasco được phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi cổ phần để sở hữu SVC Holdings / Từng là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank, FE Credit vừa báo lỗ đậm 2.996 tỷ đồng

Nhiều dư địa

Tại hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" ngày 15/9 tại Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đánh giá, thời gian qua thẻ tín dụng tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, trong đó thẻ tín dụng nội địa có bước phát triển đáng kể.

Tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7/2023 đạt trên 811,4 nghìn thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Mức độ tăng trưởng bình quân là 29,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.


ÔngPhạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: LĐO)

“Tuy nhiên, trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, có trên 800 nghìn thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Rõ ràng, chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam”, ông Tuấn nhìn nhận.

Cho rằng tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng của Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, ông Lê Hồng Phúc – Phó Tổng giám đốc Agribank chia sẻ, chỉ hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%...

“Như vậy, thị trường thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa với những ưu thế vượt trội còn nhiều dư địa phát triển. Thị trường còn nhiều tiềm năng, phân khúc khách hàng lớn, sản phẩm ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa chưa phát triển mạnh mẽ tương xứng và còn hạn chế so với thẻ tín dụng quốc tế”, ông Phúc nói.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo Vụ trưởng vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn, để thị trường thể tín dụng nội địa phát triển tương xứng với tiềm năng, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng.

Các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm…

Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Nhấn mạnh hoạt động tuyên truyền, Phó Tổng giám đốc Agribank Lê Hồng Phúc cho biết, trong công tác truyền thông, tuyên truyền cần tập trung những ưu điểm, tính năng vượt trội, phương thức thanh toán an toàn bảo mật… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về sự phối hợp của khách hàng trong hạn chế rủi ro, bảo mật thanh toán điện tử nói chung, thanh toán thẻ nói riêng. Qua đó, tạo được niềm tin và sự an tâm của khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa.


Ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng giám đốc Agribank. (Ảnh: LĐO)

Cần luật hoá hoạt động thanh toán thẻ bằng cách bắt buộc tất cả các cửa hàng kinh doanh đều phải chấp nhận thanh toán thẻ. Áp dụng chính sách khấu trừ thuế đối với các khoản chi tiêu thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Trong khi đó, ông Lê Phương Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) cho rằng, phát triển thẻ tín dụng nội địa chỉ thành công khi khả năng quản lý và thu hồi nợ xấu của các tổ chức phát hành có sự phát triển đột phá. Cần tăng cường truyền thông về thẻ tín dụng nội địa xoay quanh các yếu tố đặc trưng của sản phẩm tạo điều kiện để mở rộng thị trường và đến một lúc nào đó sẽ có bước đột phá.

Cũng theo ông Hải, việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa cũng là điều đáng lưu tâm.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, cần khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa bởi ngoài lợi ích, thẻ tín dụng nội địa còn là thương hiệu quốc gia.

Để phát triển thẻ tín dụng nội địa, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường lành mạnh.

“Chúng ta mới có chỉ 1 triệu thẻ, so với dân số 100 triệu dân. Đây là tiềm năng rất lớn, chúng ta còn rất nhiều không gian để khai thác. Hi vọng thời gian tới, chúng ta sẽ có chính sách phù hợpđể phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa đúng hướng, qua đó có thể khuyến khích tiêu dùng trong nước sử dụng thẻ tín dụng nội địa”, ông Tuấn Anh bày tỏ.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm