Tài chính - ngân hàng

Thị trường bảo hiểm Việt: Vẫn thiếu hợp tác trong phòng, chống gian lận

DNVN - Mặc dù có những bước phát triển vượt bậc nhưng thị trường bảo hiểm vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong chia sẻ thông tin phòng, chống gian lận bảo hiểm, làm giảm năng lực cạnh tranh của toàn thị trường.

Bát nháo thị trường bảo hiểm xe gắn máy / Thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng mạnh

Nhận thức về vai trò bảo hiểm còn lệch lạc

Sáng 26/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Vai trò của ngành Bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế”.

Hội thảo “Vai trò của ngành Bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế”. (Ảnh: Hà Anh).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Thị Chính, Trưởng khoa Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Hơn hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đã chịu những tác động tiêu cực vô cùng lớn.

Đặc biệt, vấn đề an sinh xã hội đã có những diễn biến vô cùng phức tạp và ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt xã hội ở hầu hết các quốc gia. Bối cảnh này cho thấy rõ hơn vai trò của ngành bảo hiểm và sự cần thiết phải phát triển tất cả các loại hình bảo hiểm nhằm góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành bảo hiểm đã và đang trực tiếp đảm bảo cho các khoản đầu tư của các cá nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cho dù đầu tư lớn hay nhỏ, loại hình hay lĩnh vực đầu tư, từ đầu tư cho lĩnh vực dầu khí hay phóng vệ tinh viễn thông, chi đầu tư thương mại nhỏ lẻ... chủ đầu tư không thể mạo hiểm ngồi nhìn số tiền đầu tư “tan thành mây khói” một khi không có bảo hiểm.

Ngành bảo hiểm tạo ra khá nhiều việc làm cho nền kinh tế, từ đó góp phần giảm tải tình trạng thất nghiệp trong xã hội.

Theo số liệu thống kê năm 2019, ở Mỹ có 2,17 triệu người lao động, ở Anh có 0,96 triệu người lao động, ở Trung Quốc có 4,13 triệu người lao động làm việc trong các lĩnh vực bảo hiểm khác nhau.

Ở Việt Nam, năm 2021, số lao động làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là gần 26 nghìn người. Số lao động làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại xấp xỉ 0,6 triệu người.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Chính nhấn mạnh: “Mặc dù vai trò kinh tế và xã hội của bảo hiểm đã thể hiện khá rõ ở những khía cạnh nêu trên, song cho đến nay, nhận thức về vai trò đó vẫn chưa thực sự đầy đủ, đúng bản chất, thậm chí còn lệch lạc.

Vì vậy, việc tuân thủ các chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp nói chung của người lao động và người sử dụng lao động có lúc, có nơi vẫn còn hạn chế, thậm chí là tìm mọi cách trốn tránh tham gia cho dù đây là những loại hình bảo hiểm bắt buộc”.

Đại lý bảo hiểm thiếu chuyên nghiệp

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết thị trường bảo hiểm Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi… sẽ là điều kiện thuận lợi cho thị trường bảo hiểm phát triển.

Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong độ tuổi vàng, là cơ hội phát triển rất nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như: bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng các cải cách công nghệ được ứng dụng ngày càng rộng rãi ở các lĩnh vực, ngành nghề, thành phần kinh tế và xã hội, đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm tăng khả năng tiếp cận.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thời tiết, khí hậu ngày càng khó dự đoán, trực tiếp ảnh hưởng đến các loại hình bảo hiểm.

Kênh phân phối đại lý bảo hiểm còn thiếu chuyên nghiệp.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp, cùng với đó là nhận thức của người dân và toàn xã hội về bảo hiểm vẫn còn hạn chế, thu nhập của người dân chưa cao nên nhu cầu tham gia bảo hiểm chưa được người dân coi là nhu cầu thiết yếu.

Số lượng sản phẩm bảo hiểm hiện nay tuy nhiều, song chưa đa dạng, đa số sản phẩm được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh, chia nhỏ theo nhu cầu đa dạng của bên mua bảo hiểm, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của bộ phận người dân có thu nhập cao.

“Kênh phân phối đại lý bảo hiểm còn thiếu chuyên nghiệp, thị trường bảo hiểm vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong chia sẻ thông tin phòng, chống gian lận bảo hiểm, làm giảm năng lực cạnh tranh của toàn thị trường”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.

Đó là chưa kể tới, năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện đều đặn, thường xuyên.

Hệ thống pháp luật tuy được hoàn thiện, song một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có độ trễ so với sự phát triển của thực tiễn.

Để thị trường bảo hiểm Việt phát triển theo đúng tiềm năng đòi hỏi hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm cần được xây dựng đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế.

Cần phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực.

Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức và cá nhân.

Đồng thời, khuyến khích các sản phẩm bảo hiểm mang tính an sinh xã hội, bảo hiểm liên kết y tế.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm