Tài chính - ngân hàng

Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,7% trong 9 tháng

DNVN - Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 9 tháng năm 2022, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 7,7%, chiếm hơn 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào ngành thương mại, dịch vụ.

Nghị quyết 20 và bài toán tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể / Sẽ cấp thêm room tín dụng cho ngân hàng tốt

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, 9 tháng năm 2022, trước nhu cầu phục hồi của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhu cầu đời sống trở lại bình thường, tín dụng các ngành, lĩnh vực đều tăng ngay từ đầu năm 2022 và hầu hết tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP. Trong đó, tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 7,3%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,4%, ngành thương mại và dịch vụ tăng 10,7%.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao ở một số ngành như công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động dịch vụ khác.

9 tháng năm 2022, tín dụng cho DNNVV tăng 7,7%.

Bên cạnh đó, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, một số lĩnh vực tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 8,4%, chiếm tỷ trọng 24,8% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tín dụng cho DNNVV tăng 7,7%, chiếm hơn 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào ngành thương mại, dịch vụ (chiếm 60%). Tín dụng cho xuất khẩu tăng 6,6%, tiếp tục tập trung vào nhóm hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 55%); tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ tăng hơn 13%; tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng gần 11%.

Ngoài ra, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro tiếp tục được kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Cụ thể, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 14,7%, tín dụng chứng khoán giảm 29 %; tín dụng BOT, BT giao thông giảm gần 2% và tín dụng cho vay phục vụ đời sống tăng 15%.

Tín dụng chính sách tiếp tục được quan tâm, dư nợ tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 274.162 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2021. Trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 74,4%; tín dụng phục vụ đời sống chiếm 25,6%.

Trong thời gian tới, NHNN định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Các NHTM cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đặc biệt là triển khai hiệu quả chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với công nhân tại các khu công nghiệp; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm