Tài chính - ngân hàng

VN-Index có thể lên mốc 1.400 điểm vào cuối năm?

DNVN - Ông Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, nếu chính sách tiền tệ, tài khoá đi đúng hướng, thị trường chứng khoán có thể lên mốc 1.300 – 1.400 điểm vào cuối năm.

Doanh nghiệp vững vàng hơn trước sóng gió, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong năm 2023? / Chủ tịch ngân hàng VDB Lương Hải Sinh giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCoM (sàn giao dịch chứng khoán của các công ty phát hành cổ phiếu nhưng chưa đăng ký hoặc chưa đủ điều kiện cần thiết để niêm yết trên sàn HoSE hoặc HNX) tính đến ngày 30/6/2023 đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP ước tính năm 2022.

Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng). Từ 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên, số lượng chứng khoán trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2023 là 1.600 doanh nghiệp HOSE (403 doanh nghiệp), HNX (332 doanh nghiệp) và UPCoM (865 doanh nghiệp).

Tuy nhiên con số này trong các năm gần đây không có sự chuyển biến đáng chú ý. Năm 2022 ghi nhận khoảng 54 mã cổ phiếu mới được bổ sung trên cả 3 sàn giao dịch. Số lượng cổ phiếu rút khỏi thị trường năm 2022 cũng cao vượt trội hơn số lên sàn khiến tổng doanh nghiệp đăng ký trên 3 sàn giảm hơn 40 đơn vị so với năm 2021.

Phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” sáng 19/7, ông Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SBS cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp đang phải đối phó với những khó khăn, chật vật về tài chính nên chưa có tiềm lực để lên sàn.

Ông Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch thường trực VASB dự báo thị trường chứng khoán có thể lên mốc 1.400 điểm vào cuối năm 2023.

Cùng với đó, các điều kiện lên sàn cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng doanh nghiệp phải tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm.

"Để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết", ông Huỳnh khuyến nghị.

Cũng theo ông Huỳnh, trong quá trình đi lên, việc thị trường chứng khoán có sự thanh lọc là quy luật tất yếu. Các cơ quan quản lý đang nỗ lực để xây dựng thị trường minh bạch, phát triển bền vững và đang bắt đầu cho kết quả tích cực.

Việc quản lý tốt chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã giúp kiểm soát lạm phát, giữ tỷ giá hối đoái cân bằng. Chính phủ cũng thực hiện các biện pháp miễn giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng; thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan ban ngành trong việc tái cấu trúc thị trường đang bắt đầu cho kết quả tốt đẹp. Chỉ số trên thị trường đã hồi phục đáng kể, thanh khoản trở lại những phiên 19.000 – 20.000 tỷ đồng, phản ánh niềm tin của giới đầu tư đang quay trở lại.

“VN-Index từ vùng thấp dưới 900 điểm nay đã vượt qua ngưỡng 1.100 điểm và đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần. Nếu chính sách tiền tệ, tài khoá đi đúng hướng, thị trường có thể cho kết quả tốt đẹp hơn, lên mốc 1.300 – 1.400 điểm vào cuối năm như nhiều người kỳ vọng”, ông Huỳnh dự báo.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm