Thị trường

Tăng cường liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa

Thời gian gần đây, chăn nuôi bò sữa phát triển với tốc độ nhanh cả về số lượng và chất lượng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn và mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết, tháng 4/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập thêm Nhóm công tác PPP về Chăn nuôi gồm 4 tiểu nhóm: bò sữa; heo; gia cầm; thức ăn chăn nuôi trong khuôn khổ PSAV (theo Quyết định số 1322/QĐ-BNN-HTQT ngày 22/4/2019). Nhóm do khối công (Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) và khối tư (các Công ty) làm đồng chủ trì. Nhóm được thành lập với kỳ vọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi.

Tỷ lệ liên kết chuỗi chiếm gần 100%

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam không có lợi thế về chăn nuôi bò sữa. Việt Nam không có đồng cỏ tự nhiên như New Zealand, Mỹ..., cũng không có nhiều diện tích đất nông nghiệp để trồng cỏ và vùng có khí hậu mát mẻ phù hợp đối với bò sữa. Hơn nữa, chăn nuôi bò sữa không phải là nghề truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta phát triển mạnh mẽ và từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới. Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa.

Liên kết trong chăn nuôi bò sẽ cho chất lượng và sản lượng sữa cao

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả. Tỷ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cũng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực tin dùng, nhất là thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông”.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện cả nước có 28.659 hộ chăn nuôi, trong đó chăn nuôi theo phương thức hộ gia đình chiếm 55% và trang trại quy mô lớn áp dụng công nghệ cao là 45%. Đối với chăn nuôi bò sữa nông hộ quy mô đàn dưới 5 - 10 con đang giảm dần, quy mô từ 20 con trở lên đang tăng và ngày càng phổ biến. Tổng số đàn bò của cả nước năm 2010 là 142.700 con, với sản lượng là 345.444 tấn nhưng đến thời điểm 01/10/2018 con số này đã tăng lên 294.382 con, với sản lượng 936.003 tấn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2017 về tổng số đàn bò sữa cả nước giảm 2,4 % so, nhưng sản lượng sữa lại tăng 6,97 %. Trong 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng sữa sản xuất trong nước tiếp tục tăng trưởng khả quan, trong đó sản phẩm sữa nước tăng trưởng tốt hơn sản phẩm sữa bột. Chỉ số sản xuất của ngành chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này chứng tỏ năng suất, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng lên.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa tuy mới phát triển gần đây nhưng tốc độ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năng suất và sản lượng sữa của bò sữa Việt Nam hiện đạt từ 4.500 - 5.000 kg/chu kỳ, tương đương hoặc cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... “Sản phẩm sữa khác sản phẩm khác bà con không thể tự mang ra thị trường để bán, bởi sữa vắt xong phải bảo quản ở 4 độ C và đem đi chế biến với công nghệ cao, thì mới đảm bảo sản phẩm an toàn để sử dụng. Môi trường nông hộ không thể giải quyết vấn đề này mà phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ về chính sách và một phần vốn của các cơ quan quản lý Nhà nước”.

Đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện ngành sữa còn gặp nhiều khó khăn. Chăn nuôi bò sữa còn khá mới mẻ ở nước ta nên người chăn nuôi ít kinh nghiệm, dẫn đến chăn nuôi còn lúng túng, năng suất và chất lượng sữa chưa cao. Đặc biệt, giá thành của các mặt hàng sữa trong nước cao so với các nước trên thế giới.

Người dân chăm sóc bò sữa

Về giải pháp chăn nuôi gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với lợi thế tự nhiên và điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, phát triển chăn nuôi bò sữa trang trại thâm canh quy mô vừa, chuyển một phần đất canh tác, đất ven sông, ven bãi sang trồng cỏ và cây thức ăn, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi bò sữa, giảm ô nhiễm môi trường. Áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa. Tăng cường quản lý công tác giống, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành chăn nuôi bò sữa, để mục tiêu đến năm 2020, tổng đàn bò sữa đạt 500.000 con, tổng lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn, tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Đến năm 2030 tổng đàn bò sữa đạt 700.000 con, tổng sản lượng sữa đạt 2 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi bò sữa, và cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Phát triển chăn nuôi gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp.

Theo Vân Hồng/Thời báo Kinh doanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo