Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6,6-6,8% là mức tăng thận trọng, hợp lý.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 được đặt ra ở mức 6,6 - 6,8%.
Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tăng trưởng hợp lý
Đánh giá chung bức tranh kinh tế 2019 qua các chỉ tiêu Chính phủ đề ra và qua thực tiễn kinh tế 2018, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia nhận định, kinh tế 2019 vẫn trên đà phát triển tích cực, kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt. Những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo đã tạo niềm tin và sự phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp (DN).
TS Ân cho rằng, với các Hiệp định thương mại đã ký kết, cách làm ăn, chiến lược phát triển, tư duy của DN cũng như tư duy trong điều hành kinh tế cũng sẽ được đổi mới, nhờ đó tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của DN trong nước phát triển. Với riêng Hiệp định CPTPP, trong năm 2019, Hiệp định này chưa tác động gì tới nền kinh tế, nhưng sẽ là yếu tố động viên, tạo không khí phấn khởi trong kinh doanh.
“Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 2019 Chính phủ đặt ra theo tôi là khiêm tốn, mục tiêu này nhằm tạo ra sự vững chắc cho tăng trưởng, đồng thời tạo ổn định các cân đối của nền kinh tế”, ông Ân cho hay.
Theo TS Lê Đình Ân, các yếu tố tăng trưởng của giai đoạn 2017-2018 không ổn định, kinh tế vẫn phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào các thị trường lớn, do đó, xác định tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6,6% - 6,8% là phù hợp và có khả năng thực hiện hơn nếu tình hình tương đối tốt. Ví dụ, Samsung ổn định sản xuất và có kế hoạch sản xuất tốt, Formosa tăng dây chuyền sản xuất, đưa lọc dầu Nghi Sơn và một số công trình khác vào hoạt động…
“Với các Hiệp định thương mại đã có hiệu lực, Việt Nam có khả năng tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, nếu biết khai thác tốt, có chính sách linh hoạt thì có thể chen chân để tận dụng những cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi có điều kiện. Với sản xuất công nghiệp tại một số đầu tàu tăng, nông nghiệp giữ vững cơ cấu, xuất khẩu vẫn giữ được thị trường thì tăng trưởng 6,7-6,8% là có cơ sở, chưa nói đến mục tiêu 7% cũng có khả năng đạt được”, TS Lê Đình Ân nhận định.
Các dự báo của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng đều có cái nhìn tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2019, với mức tăng trưởng dự báo khoảng 6,8%. Trong khi đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2019, với mức tăng trưởng thậm chí lên tới 6,9 - 7,1%, tương ứng với mức lạm phát 4% và 4,5%.
Băn khoăn về chất lượng tăng trưởng
Tuy nhiên, trong khi mục tiêu tăng trưởng được cho là “không làm khó” Chính phủ trong điều hành, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, khó khăn của kinh tế năm 2018 có thể sẽ kéo theo sang năm 2019 nếu Chính phủ không có sự thay đổi, khắc phục kịp thời. Đó là, các yếu tố cho tăng trưởng chưa bền vững, vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, theo đó, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tới 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào các DN FDI lớn như Samsung, Formosa… Tái cấu trúc, phát triển DN, đặc biệt cổ phần hoá DN nhà nước còn chậm, trong khi đó, các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa chưa được chú ý, tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn, đất đai đang rất lúng túng.
TS Đinh Thế Hiển cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội đặt ra sẽ đạt được nhưng nếu chỉ lấy chỉ tiêu tăng trưởng GDP là mục tiêu quan trọng số 1 mà không kèm theo đó là chất lượng của tăng trưởng GDP thì cũng sẽ không đúng với tinh thần của tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đặt ra trong những năm gần đây. Và cũng không đúng với tinh thần của hội nhập, của kinh tế sản xuất và Chính phủ kiến tạo.
“Nếu tăng trưởng GDP chỉ dựa vào những yếu tố như FDI, đầu tư công thì mục tiêu mới đạt được 1 phần. Phải làm sao để các DN sản xuất, kinh doanh nội địa có thể ổn định và tăng trưởng năng lực sản xuất, tăng trưởng chất lượng sản xuất mới là điều quan trọng”, TS Đinh Thế Hiển nêu ý kiến.
Theo TS Hiển, Chính phủ cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa, nhưng đó không phải chỉ là những điều kiện ưu đãi, bởi Chính phủ không thể dùng ưu đãi để tạo ra được những DN tốt mà chỉ có thể bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh như cải cách các thủ tục hành chính, tăng sự cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực DN, đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN… mới là những điều thực sự cần và phải nỗ lực làm.
Bên cạnh những hạn chế nội tại của nền kinh tế, TS Lê Đình Ân cũng cho rằng, kinh tế thế giới năm 2019 cũng sẽ có nhiều biến động khó lường khiến giá cả những vật liệu chính có thể tăng mạnh, đặc biệt là dầu mỏ. Những xung đột của các nước lớn có thể đẩy giá dầu tăng mạnh, điều này có thể gây áp lực lớn lên tỷ giá và lạm phát của Việt Nam. Bên cạnh đó, các đồng tiền nội tệ của các nước có thể giảm giá, trong đó có Nhân dân tệ (thời gian qua đồng tiền này giảm đến 10% trong 10 tháng) làm ảnh hưởng lớn, áp lực lớn lên giá cả, tỷ giá trong nước, đặc biệt là vấn đề tài chính khi các nước này phải tung tiền ra khôi phục lại tỷ giá và việc khôi phục trị giá đồng tiền của nước họ sẽ làm ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Cần hết sức lưu ý chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam khi độ mở của kinh tế Việt Nam là rất lớn. Theo đó, cần chú ý để điều hành linh hoạt, hợp lý. Đây là những vấn đề lớn trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2019 cần lưu ý”, ông Ân khuyến cáo.
Theo baochinhphu.vn