Tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cá tra báo lãi trong quý 2/2019
Doanh nghiệp TPHCM chuẩn bị gì để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU? / Xuất khẩu 7 tháng đầu năm: Lạc quan nhưng không chủ quan
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam liên tiếp sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, nhưng nhờ tăng sản lượng xuất khẩu, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp cá tra niêm yết tiếp tục báo lãi trong quý 2/2019.
Trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) - một "đại gia" trong ngành cá tra Việt Nam. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 của Công ty vừa công bố cho thấy, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ tăng 19% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ lợi nhuận từ việc bán các khoản đầu tư.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN.
Tuy nhiên, với việc bán các khoản đầu tư, VHC ghi nhận hơn 148 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng đột biến 366% so với cùng kỳ. Mặc dù các khoản chi phí như bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, nhưng VHC vẫn lãi ròng 392 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 đạt 699 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 do tăng trưởng sản lượng xuất khẩu.
Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 của Công ty đạt 1.064 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ tăng giá vốn thấp hơn nhiều chỉ hơn 12%.
Trong cơ cấu doanh thu của ANV, doanh thu từ xuất khẩu đạt trên 837 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu và tăng gần 24% so với cùng kỳ. Cùng với mức tăng chậm hơn của giá vốn bán hàng đã giúp lợi nhuận gộp của Công ty tăng hơn 100 tỷ đồng trong quý 2, tăng 81% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 152 tỷ đồng, tăng 30% so với quý 2/2018.
Theo ANV, trong 6 tháng đầu năm nay dù giá bán cá tra giảm mạnh, song nhờ tăng sản lượng xuất khẩu ở mức 12% so với cùng kỳ đã giúp Công ty giữ được mức tăng trưởng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của ANV đạt 1.975 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 353 tỷ đồng, tăng mạnh đến 83%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 15,6% trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 25,4% trong 6 tháng đầu năm 2019.
Một doanh nghiệp cá tra niêm yết khác cũng có mức tăng lợi nhuận đáng kể trong quý 2/2019. Đó là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long An Giang (ACL) với lợi nhuận sau thuế đạt 58,7 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Báo cáo tài chính quý 2/2019 của doanh nghiệp này cho thấy, mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của ACL chỉ đạt 373,4 tỷ đồng, giảm 4,17% so với cùng kỳ, nhưng nhờ giá vốn có biên độ giảm gần gấp đôi(giảm 8,26%) đã giúp lợi nhuận gộp tăng 6,7%, lên mức 102,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chi phí phát sinh trong kỳ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của ACL đạt 817 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thu về 113 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 961 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm 2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh