Thị trường

Doanh nghiệp TPHCM chuẩn bị gì để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU?

TPHCM xuất khẩu chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó Châu Âu là thị trường lớn.

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư / FTA mở ra điều kiện để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường cao cấp

Việc Việt Nam và Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam– EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này thuế sẽ giảm dần về 0%. Vậy doanh nghiệp TPHCM làm gì để tận dụng tốt cơ hội này?

doanh nghiep tphcm chuan bi gi de day manh xuat khau sang eu? hinh 1
TPHCM xuất khẩu chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó Châu Âu là thị trường lớn. (Ảnh minh họa: KT).

Ở lĩnh vực dệt may, các doanh nghiệp sớm có sự chuẩn bị để tận dụng những ưu đãi của EVFTA. Cụ thể như Công ty Trung Quy từ năm 2018 đã chuyển toàn bộ nhà máy từ quận Bình Tân, TPHCM về Khu Công nghiệp Hải Sơn, tỉnh Long An để tăng quy mô sản xuất. Công ty nhập dây chuyền sản xuất của Đức, Ý về sản xuất từ khâu sợi, nhuộm và vải, nâng công suất tăng gấp 5 lần, đạt 1,5 triệu mét vải/tháng và dự kiến sẽ tiếp tục phải tăng công suất.

Tương tự như vậy, Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ Vinh Thông có hàng chục năm sản xuất giày xuất khẩu. Công ty đang chuẩn bị sản xuất lô hàng khoảng 2 triệu đôi giày mùa đông xuất sang Đức.

Để mở rộng xuất khẩu sang Châu Âu khi EVFTA có hiệu lực, Vinh Thông đã xây thêm nhà máy ở Cần Thơ và đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, chuyển đổi 2 máy cắt da thủ công sang tự động, nâng công suất lên gấp 10 lần.

Công ty cũng có sự chuẩn bị trước về xuất xứ hàng hóa nguồn nguyên liệu da và đáp ứng được yêu cầu nguồn gốc xuất xứ của hiệp định này. Tuy nhiên, khi có những đơn hàng lớn, doanh nghiệp thường rất khó tìm được nguồn nguyên liệu tập trung, ổn định do sản xuất nguyên liệu trong nước còn manh mún.

Theo Hiệp hội Da giày TPHCM, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày chỉ ở mức 30-40%. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ Vinh Thông kiến nghị: “Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất sẵn sàng đáp ứng cho các doanh nghiệp phục vụ những đơn hàng lớn. Hiện vùng nguyên liệu manh mún nên doanh nghiệp đi tìm nguyên liệu rất khó”.

 

Theo Hiệp hội May thêu đan TPHCM, trước những hạn chế về nguồn nguyên liệu xuất xứ, các doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm thêm nguồn nguyên liệu. Vì EVFTA có cam kết về quy tắc xuất xứ cộng gộp. Nguyên liệu vải trong dệt may, nếu được doanh nghiệp sử dụng có xuất xứ từ các quốc gia có FTA với EU và Việt Nam thì sản phẩm của doanh nghiệp cũng được xem là xuất xứ hợp lệ.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TPHCM, doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết với đối tác Châu Âu, vì họ hiểu thị trường, họ cùng đặt ra các tiêu chí với doanh nghiệp Việt Nam để cùng khai thác tốt lợi thế của EVFTA, từ đó tận dụng nguyên liệu trong nước hoặc trong khối.

“Muốn khai thách lợi thế này thì các doanh nghiệp liên kết với nhau mạnh hơn”, ông Hồng nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam đã ký 13 FTA, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới nhưng nhìn chung các doanh nghiệp TPHCM chưa tận dụng được nhiều ưu đãi từ các hiệp định này. Phần lớn các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội này là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn. Trong khi, thành phố có hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lần này cũng vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ của thành phố chưa sẵn sàng, trong khi nhiều doanh nghiệp FDI đã sang Việt Nam chuẩn bị từ trước.

 

Theo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề ở TPHCM các cơ quan chức năng nên tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh như chuyển đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu… chứ để doanh nghiệp nhỏ tự bơi rất khó.

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội này, trước hết phải nắm rõ nội dung của EVFTA, từ quy tắc xuất xứ hàng hóa, lộ trình cắt giảm thuế từng mặt hàng và nhất là hàng rào phi thuế quan của từng nước.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đề nghị: “Về hàng rào kỹ thuật như thế nào, thủ tục nhập hàng vào các nước này ra sao để đưa hàng vào thị trường Châu Âu nhanh thì tham tán tại các nước và Bộ Công thương phải hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như có xung đột pháp luật như kiện bán chống phá giá”.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ và vận dụng tốt EVFTA, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung Hội nhập Quốc tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ các hiệp hội có những lớp tập huấn rất chuyên sâu, riêng biệt của từng ngành hàng.

“Ví dụ như dệt may, xuất xứ như thế nào khi đi vào EVFTA. Một mặt làm theo ngành, một mặt sẽ làm từng thị trường và phân tích sâu để doanh nghiệp dễ tiếp cận thị trường đó, phân tích hàng rào phi thuế quan của từng thị trường”, ông An cho biết thêm.

 

Chính phủ xem EVFTA và EVIPA là “tuyến cao tốc” từ Việt Nam sang EU. Hai hiệp định định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang Châu Âu, để thời gian tới sẽ nâng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này từ 20% lên hơn 40%.

Tuy nhiên, không phải “xe” nào cũng leo lên được “tuyến cao tốc” này mà phải đáp ứng rất nhiều rất nhiều điều kiện cần và đủ. Để đáp ứng được các yêu cầu của “tuyến cao tốc” này, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường Châu Âu.

Theo Lệ Hằng/VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm