Thị trường

Tập trung ‘xanh hoá' thị trường, phát triển thương hiệu quốc gia

DNVN - Năm 2025, công tác xúc tiến thương mại sẽ tập trung đa dạng hóa thị trường, phát triển thương hiệu quốc gia và thúc đẩy kinh tế xanh, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin...

Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Vướng mắc pháp lý, nguồn cung hụt hơi / Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023 và cao gấp 2,5 lần so với mục tiêu Chính phủ giao. Xuất khẩu vượt mốc 400 tỷ USD, tăng 14,4%, trong khi nhập khẩu tăng 16,4%, giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức gần 25 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, góp phần tăng cường dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), những kết quả tích cực này có sự đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến thương mại. Trong năm, gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức xúc tiến thương mại đã được hỗ trợ thông qua các chương trình quốc gia.
Các hội chợ, triển lãm và hoạt động giao thương quốc tế đã giúp ký kết gần 100 triệu USD giá trị hợp đồng trực tiếp, đồng thời doanh số bán hàng tại các sự kiện trong nước đạt hàng trăm tỷ đồng. Công tác xúc tiến thương mại không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác, tận dụng các lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA), mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm 2024, gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức xúc tiến thương mại đã được hỗ trợ thông qua các chương trình quốc gia.
Dù đạt nhiều kết quả khả quan, theo ông Phú, công tác xúc tiến thương mại vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Hạn chế về nguồn lực ngân sách và cơ chế tài chính chưa được điều chỉnh kịp thời là những thách thức lớn. Việc triển khai chương trình thương hiệu quốc gia chưa tương xứng với nhu cầu, trong khi mô hình tổ chức cơ quan xúc tiến thương mại tại các địa phương thiếu đồng nhất, gây khó khăn trong phối hợp và liên kết. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo và hỗ trợ thương hiệu chưa được phổ biến đồng đều, công tác truyền thông tuy đã cải thiện nhưng hiệu quả chưa cao.
Để tiếp tục duy trì vai trò động lực tăng trưởng xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại xác định năm 2025 sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, công tác xúc tiến thương mại sẽ được triển khai theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, khai thác hiệu quả các cơ hội từ FTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn cũng như mở rộng sang thị trường mới và tiềm năng.
Đồng thời, các hoạt động xây dựng thương hiệu quốc gia sẽ được tăng cường, đặc biệt là quảng bá các sản phẩm như gạo, cà phê, thủy sản ở thị trường quốc tế và hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Công tác xúc tiến thương mại cũng sẽ gắn liền với các tiêu chí kinh tế xanh, chú trọng các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, việc tư vấn thông tin, cập nhật chính sách thương mại và đào tạo kỹ năng xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh, tạo thế chủ động cho doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường quốc tế. Song song đó, ngành Công Thương sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua các văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài nhằm mang lại hiệu quả bền vững cho doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm