Tây sang Việt Nam lùng mua từng củ khoai, cái bánh tráng...
BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: TP.HCM chi hơn 18.000 tỷ chuẩn bị hàng Tết, coi chừng 'sập bẫy' Black Friday / BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Cà phê Việt vào thị trường Mỹ, giá dầu ‘rớt đáy’ 1 năm
"Cô đơn" trên kệ ở siêu thị nội địa, nhưng hàng Việt lại được các ông lớn bán lẻ nước ngoài đua nhau tìm kiếm để xuất khẩu trên chính kênh phân phối của họ. Hàng Việt trở nên “có giá” hơn khi tỷ phú Thái, Nhật và Mỹ chi tỷ USD đặt hàng, mang sang các nước bán.
Dồn dập tìm hàng Việt
Mới đây, trong chuyến công du đến Nhật Bản của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành, Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn bán lẻ AEON Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về việc tập đoàn này sẽ gia tăng mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống của AEON. Con số hàng Việt được kỳ vọng xuất khẩu sẽ lên đến 500 triệu USD vào năm 2020.
Nhiều mặt hàng nông sản Việt được thị trường các nước ưa chộng. |
Tỷ phú Thái cũng không chịu thua, điển hình là Tập đoàn TCC (Thái Lan) đã mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry ở Việt Nam, nay đã đổi tên thành chuỗi MM Mega Market.
Bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành Mega Market Việt Nam, cho biết trong quý I vừa qua, đơn vị này đã xuất đơn hàng đầu tiên là hơn 100 tấn nông sản Việt, gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng,... sang hơn 700 siêu thị Big C ở Thái Lan.
Đơn vị này vẫn tìm kiếm những mặt hàng nông sản mới để cung cấp cho thị trường nước ngoài, qua kênh phân phối hơn 1.400 siêu thị và cửa hàng tiện lợi trong khu vực của tập đoàn.
Thị trường Nhật Bản cũng bắt đầu ưa chuộng các loại trái cây Việt. Mới đây, Manka System Service (Nhật Bản), doanh nghiệp chuyên phân phối nông sản cho thị trường Nhật, đã bắt tay với Lavifood để nhập khẩu các loại rau củ quả chất lượng của Việt Nam. Lavifood hiện có 2 nhà chế biến trái cây chủ yếu phục vụ mục tiêu xuất khẩu.
Thống kê cho thấy Lotte cũng đang xuất khẩu hàng chục mặt hàng tiêu dùng, đặc sản khu vực đến thị trường Hàn Quốc.
Mới đây, trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon cũng “rục rịch” tiếp cận thị trường Việt, với nhiều biện pháp hỗ trợ người Việt bán hàng từ Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước tham gia bán hàng trên Amazon. Đại diện Amazon cũng cho biết đã tuyển dụng khá nhiều nhân viên người Việt đến làm việc tại văn phòng Singapore, vừa mới mở vào tháng 7 năm ngoái, trong mục tiêu chinh phục thị trường Đông Nam Á nói chung.
Thực tế cho thấy các nhà bán sỉ bán lẻ quốc tế cũng không tiếc tiền đầu tư cho kênh phân phối tại Việt Nam.
Hồi tháng 5, AEON đã khảo sát địa bàn Cần Thơ, thành phố trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện AEON sở hữu 6 trung tâm thương mại tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Con số này, theo kế hoạch, có thể nâng lên thành 20 trung tâm thương mại đến năm 2025.
Hồi đầu năm, Central Group dự định chi thêm khoảng hơn 1,5 tỷ USD để tăng số lượng cửa hàng tại Thái Lan và Việt Nam. Tập đoàn này sở hữu hệ thống siêu thị Big C, siêu thị Nguyễn Kim, Lan Chi mart, hay Phú Thái và nhiều kênh phân phối khác. Năm ngoái, thị trường Việt Nam đóng góp khoảng 17% doanh thu của tập đoàn.
Nông sản Việt được các nhà bán lẻ quốc tế quan tâm vì tính “địa phương” của mình. Theo bà Punthila, nông sản Việt có lợi thế là hương vị, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, sản lượng ổn định. “Một số mặt hàng như vú sữa, bơ Đà Lạt,... rất được quan tâm tại thị trường Thái Lan”, đại diện Mega Market cho biết. Trong khi đó, ông Yoshiyuki Kagawa, chủ tịch Công ty Manka System Service cho biết các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như thanh long, xoài, chuối được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, một lý do khác thúc đẩy các đại gia quốc tế tranh thủ đi kiếm “hàng” là vì hàng loạt hiệp định thương mại ưu đãi về thuế quan hàng hóa đã và đang được đàm phán ký kết.
Hàng Việt vẫn gặp khó
Nhiều công ty nông sản Việt Nam vẫn xuất khẩu tốt. Ông chủ Nguyễn Lâm Viên của Vinamit mới đây cũng cho hay, thị trường Thái đón nhận khá nhiệt tình với dòng sản phẩm sấy khô mới (nước mía hay cà phê sấy khô), bên cạnh các sản phẩm truyền thống là trái cây sấy khô, sấy dẻo.
Thanh long chế biến để xuất khẩu. |
Trong khi đó, Saigon Coop xuất khẩu vải, bưởi da xanh sang Singapore thông qua hệ thống đại siêu thị Coop Extra. Năm 2017, hợp tác xã xoài Mỹ Xương xuất khẩu 3,5 tấn sang Nga, còn 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu 20 tấn qua Úc.
Ngoài nông sản, một số mặt hàng đặc biệt mà Việt Nam xuất khẩu được còn có gỗ, như trường hợp gỗ nội thất của Công ty Gỗ An Cường với doanh thu tính bằng triệu USD.
Tuy nhiên, đó chỉ là một số ít trường hợp thành công. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt hiện gặp khó trên chính thị trường của mình, trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lao động giá rẻ và nguyên liệu sẵn có.
Hiện nay ở Việt Nam, nếu không phải là hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc thì hàng Thái Lan cũng phủ kín, từ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, cho đến hàng thời trang, dệt may, da giày, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh,... “Các doanh nghiệp trong nước điêu đứng bởi giá hàng Thái thường rẻ hơn mà chất lượng, mẫu mã cũng được người tiêu dùng đánh giá cao hơn”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhận định.
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về quy mô, vốn và công nghệ, đồng thời gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối bán lẻ.
“Doanh nghiệp trong nước gần như không thể chào hàng các sản phẩm mới cho siêu thị khi chiến khấu vẫn còn khá cao (15-25%), buộc họ phải đẩy giá thành cao hơn bên ngoài 15-30% mới đảm bảo lợi nhuận”, bà Chi nói.
Trong khi đó, việc tổ chức hội trợ, triển lãm chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được sản xuất, phân phối và tiêu dùng, theo bà Phạm Minh Hương, giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may.
Có thể thấy, hàng Việt có những ưu điểm riêng, nhưng để xuất ngoại được vẫn phải theo tiêu chuẩn của quốc tế. “Nếu tự đi một mình sẽ rất khó thành công”, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gỗ An Cường cho rằng các doanh nghiệp cần phải xác định rõ con đường đi của mình, làm gì, bán cho ai và như thế nào. “Đối với thị trường ASEAN, hãy làm thật tốt ở thị trường Việt Nam đã rồi hãy nghĩ đến thứ khác. Nếu làm không tốt thì người Thái họ vào bán hết”, ông Nghĩa lo ngại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng