Thị trường

Thái Bình: Bỏ công nhân về làm 'triệu phú nông dân'

Trong khi nhiều người bỏ vườn, bỏ ruộng đi làm công nhân thì vợ chồng chị Trần Thị Lập, thôn Đông Đồng Hải, xã Đông Vinh (Đông Hưng) lại nghỉ việc nhà máy về quê làm nông dân. Với quyết tâm, sự cần cù, chịu khó, vợ chồng chị đã thành công với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.

Quảng Ngãi: Làm giàu trên đất quê hương / Đề xuất hộ nghèo được giảm 15% lãi vay

Chị Lập là con gái Tuyên Quang, khi vào làm tại Công ty Giấy Bãi Bằng đã gặp, cảm mến rồi nên nghĩa vợ chồng với chàng trai quê lúa. Vì cả hai đều làm công nhân, không có thời gian nên anh chị phải để con ở quê nhờ bố mẹ chồng chăm sóc. Ban ngày đi làm, tối về nhớ con, thương bố mẹ già, bàn đi tính lại anh chị đưa ra quyết định khiến cả công ty và hai bên gia đình ngỡ ngàng: nghỉ việc nhà máy về quê chăn nuôi. Năm 2015, anh chị về quê vay mượn và dồn hết tiền dành dụm được đầu tư chuyển đổi 3 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả của gia đình thành trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Chị Lập cho biết: Làm nông nghiệp vất vả hơn, thu nhập phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh nhưng được ở cạnh bố mẹ, con cái nên tâm lý thoải mái, vợ chồng bảo ban nhau cùng cố gắng. Anh chị chọn nuôi lợn, gà, cá vì đó là các loại con phổ biến, dễ chăm sóc, thị trường tiêu thụ lớn. Trang trại của anh chị luôn có trên 1.000 con gà ri lai và gà đá Châu Thành, 230 - 250 con lợn thịt, 20 - 25 con lợn nái siêu nạc, 2 ao cá. Để có kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, anh chị siêng năng học hỏi kỹ thuật qua các hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của hội phụ nữ, hội nông dân, qua báo, đài, sách vở, mục sở thị một số trang trại chăn nuôi lớn, cộng với kinh nghiệm đúc rút từ thực tế nên anh chị đã gặt hái thành công. Mỗi năm trang trại của gia đình cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Chị Trần Thị Lập chăm sóc đàn gà trong trang trại của gia đình.

Chị Trần Thị Lập chăm sóc đàn gà trong trang trại của gia đình.

Đang làm ăn thuận lợi thì dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, dù đã thực hiện tiêu độc, khử trùng hàng ngày, đóng cửa chuồng trại nhưng anh chị vẫn phải tiêu hủy 4 tấn lợn. Song rất may đàn lợn nái nuôi ở khu riêng không bị dịch, sẽ cung cấp giống khi chị tái đàn. Trước khi tái đàn, chị Lập đã khử trùng chuồng trại rất kỹ. Chị cho biết: Ở từng ô chuồng lợn, tôi lột bạt, đóng trần mới, quét vôi toàn bộ... Sau 3 tháng hết dịch mới thực hiện tái đàn. Trong thời gian chờ tái đàn, chị chuyển một số ô chuồng sang nuôi 50 con thỏ để có nguồn thu. Rút kinh nghiệm từ lần chống dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn, công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại được đặt lên hàng đầu. Cổng vào trang trại và cổng vào khu chuồng lợn anh chị làm các bể chứa dung dịch sát khuẩn, phải đi qua 2 bể dung dịch đó rồi mới được vào. Riêng khu chuồng lợn chỉ có chồng chị ra, vào cho lợn ăn, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Trước khi vào khu chuồng anh phải tắm gội, thay quần áo ngay tại trang trại, đi qua 2 bể hóa chất... Cùng với đó, thực hiện rửa chuồng thường xuyên, tăng khẩu phẩn ăn, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn. Với quy trình khắt khe đó, anh chị đã tái đàn thành công. Vì thế, năm 2019, dù bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi song cuối năm lại xuất chuồng với giá rất cao nên anh chị vẫn thu lãi từ trang trại 300 - 350 triệu đồng. Qua đó cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là chủ trương đúng, biết đầu tư, nuôi các loại con có giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hóa, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh tốt, thu nhập sẽ cao gấp nhiều lần làm công nhân và vẫn có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Dù bận mải phát triển kinh tế gia đình song chị Lập vẫn làm tốt vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Đồng Hải. Chị Trần Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Vinh cho biết: Với sự tận tâm của chị Lập, Chi hội Phụ nữ thôn Đông Đồng Hải luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của xã, bản thân chị Lập được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng giấy khen “Cán bộ hội phụ nữ giỏi”, điển hình “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm