Thị trường

Thái Nguyên: Trồng rau sạch kiếm đủ tiền cho con du học

Với hơn mẫu đất trồng rau màu, gia đình chị Đào Thị Thanh Hải (xóm Ao Sen, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) đã tham gia mô hình trồng rau an toàn VietGAP theo hình thức tổ hợp tác.

Hòa Bình: Thanh niên xứ Mường vừa trồng vừa dấm 10.000 chai ớt bán hết veo / Đắk Nông: Diện tích trồng bơ vượt quy hoạch

Bỏ thói quen gần 25 năm để học làm rau lại từ đầu theo hướng an toàn đã mang lại nguồn thu khá cho người dân.

Bỏ thói quen gần 25 năm để học làm rau lại từ đầu theo hướng an toàn đã mang lại nguồn thu khá cho người dân.

Phương thức sản xuất này đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng năng suất, tiêu thụ ổn định ở mức giá tốt. Nhờ có thu nhập khá từ ruộng vườn, gia đình chị Hải đã mạnh dạn đầu tư cho các con đi học tập ở nước ngoài.

Một năm = 14 tháng!

Chị Khuông Thị Kim Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lương rất phấn khởi với từng mốc phát triển của mô hình tổ hợp tác trồng rau an toàn xóm Ao Sen. Mô hình này là sự kết hợp giữa Phòng NN-PTNT huyện và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, tập hợp những hộ trồng rau truyền thống, nhằm cung cấp nguồn rau sạch đến tay người tiêu dùng trên địa bàn.

Chị Nhung chia sẻ, xóm Ao Sen là vùng trồng rau màu truyền thống của huyện Phú Lương. Bà con nông dân vẫn có thói quen canh tác lạc hậu, sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan, bừa bãi đã gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hội Phụ nữ huyện triển khai xây dựng mô hình trồng rau an toàn theo hình thức tổ liên kết, tổ hợp tác đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các ngành, các cấp, đặc biệt là các hộ dân. Nhu cầu về rau quả không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, thị trường tiêu thụ lớn, song bất cập là người tiêu dùng không dám tiêu thụ sản phẩm thiếu an toàn và người nông dân thì không có thu nhập vì rau quả làm ra không bán được. Mô hình càng được các hội viên phụ nữ hưởng ứng nhiệt tình, vì phụ nữ là người sản xuất, cũng là người nội trợ, các chị giữ vai trò quyết định trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Từ tháng 7/2017, mô hình được thành lập ở xóm Ao Sen, có 8 hộ dân tham gia với tổng diện tích hơn 4 mẫu. Chị Đào Thị Thanh Hải (sinh năm 1978) là hội viên năng nổ, nòng cốt của tổ hợp tác.

Tổng diện tích rau màu của gia đình chị Hải là 1,2 mẫu, trồng gối vụ, mỗi năm 7 tháng rau và 7 tháng dưa. Chị Hải tính, như vậy là thời gian trên ruộng vườn mỗi năm có 14 tháng chứ không phải 12 tháng như bình thường. Để tiêu thụ sản phẩm được giá nhất, chị Hải đã lập trang cá nhân để giới thiệu và bán hàng. Vụ dưa lê vừa qua, mức giá kỷ lục lên tới 30 nghìn đồng/kg, mỗi ngày có thể bán đến vài tạ.

Chị Hải khoe: Dưa lê, dưa hấu làm nhàn mà đầu ra rất tốt, chỉ cần đăng lên mạngchưa đầy một giờ là lập tức hết hàng. Trước đây, khách tiêu thụ chủ yếu là người quen, người thân dựa trên sự tin tưởng vào gia đình thì nay, đối tượng khách hàng mở rộng khắp mọi nơi, dưa được dán nhãn mác để người tiêu dùng yên tâm.

Bỏ thói quen gần 25 năm để làm lại từ đầu

Chị Hải cho biết, sở dĩ rau quả của gia đình được tiêu thụ tốt như vậy là nhờ chị thay đổi hẳn cách thức sản xuất.

Chị kể: Tôi lấy chồng năm 16 tuổi (1994), bắt đầu làm rau bán từ ngày đấy. Tuy là vùng rau, đất đai khí hậu đều phù hợp nhưng rau làm ra giá rất thấp, lúc bán được lúc ế, thu nhập bấp bênh. Bên cạnh đó, chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu lại khá tốn kém do thiếu kiến thức, sử dụng kém hiệu quả.

09-16-49_1
Ảnh: Đồng Văn Thưởng
.

Kể từ tháng 7/2017, tham gia mô hình, các thành viên được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, từ kỹ thuật làm đất, bón phân, phương pháp sử dụng thuốc trừ bảo vệ thực vật an toàn, tránh sử dụng tràn lan gây ô nhiễm môi trường, cách ly mầm bệnh, xóa dần lạm dụng phân bón, chú trọng sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh… cho đến xử lý bao bì, bảo vệ môi trường.

Qua các lớp tập huấn cũng như tham quan các mô hình trồng rau an toàn trong và ngoài tỉnh đã giúp các thành viên tổ hợp tác thay đổi thói quen canh tác truyền thống vốn hình thành từ lâu, từng bước đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch...

Bản thân chị Hải được theo học cả chục lớp tập huấn, được hướng dẫn cách làm đất tơi xốp, ủ mục và bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng loại rau, củ quả, đảm bảo thời gian cách ly. Chị cũng tự đi học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm tự chế thuốc trừ sâu thảo dược để sử dụng trên ruộng vườn của gia đình.

“Tôi xuống Hà Nội thấy những luống dưa ngon quá bèn dừng lại, lội xuống ruộng xem họ và hỏi cách làm. Hiện cả vùng này chưa ai biết cách làm giàn leo cho bí theo cách vắt chéo 4 cây sào như tôi”, chị Hải vui vẻ khoe.

Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm bón và quy trình VietGAP, các loại dưa lê, dưa hấu của chị Hải làm ra rất tươi ngon. Dưa lê thơm và ngọt đậm, còn dưa hấu thì “đỏ thấu bì, ngon hơn dưa miền Nam”, đồng thời với cam kết “bao sạch” nên sản phẩm làm ra không đủ bán.

 

Tuy nhiên, nguồn thu ổn định của gia đình chị Hải là rau xanh các loại, đặc biệt là rau vụ đông như bắp cải, su hào… Tính sơ, mỗi năm tiền thu từ trên 20 tấn rau và dưa các loại đã giúp chị Hải bỏ túi không dưới 300 triệu đồng.

Nhờ vậy, năm vừa rồi, vợ chồng chị đã có tiền đầu tư cho cậu con trai 20 tuổi đi du học Nhật và tiếp tục dành dụm để cậu út cũng được xuất ngoại du học.

Chị Khuông Thị Kim Nhung cho rằng, việc trồng rau an toàn không chỉ giúp cải thiện đời sống cho người dân nhờ nâng cao thu nhập, mà thông qua các mô hình này, hàng năm đã có cả trăm tấn rau quả tươi, ngon, sạch cung cấp cho các hộ dân, các đơn vị quân đội, các bệnh viện, trường học trên địa bàn huyện.

Hiệu quả dễ thấy từ các mô hình đã nhanh chóng lan tỏa đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn xóm và nhiều địa phương trong huyện. Đến nay, đã có nhiều hộ bỏ cấy lúa chuyển sang chuyên canh rau theo hướng an toàn. Thu nhập trăm triệu từ ruộng vườn đã trở nên câu chuyện quá bình thường ở nơi đây.

Theo Đồng Văn Thưởng-Đào Thanh/Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm