Tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu: Vai trò của doanh nghiệp là tiên quyết
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Hà Công Tuấn đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu" do Bộ NN & PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức sáng 08/10 tại Hà Nội.
Tính đến nay, cả nước đã có gần 3.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 doanh nghiệp. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có hơn 1.200 chuỗi được chứng nhận; với gần 1.500 sản phẩm. Cả nước có hơn 3.100 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 649 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cả nước cũng xây dựng được 21.000 mô hình liên kết chuỗi giá trị ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngành nông nghiệp đã xây dựng các chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp, chuỗi liên kết một ngành hàng lâm sản chủ lục, chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Cho vay liên kết theo chuỗi giá trị nông nghiệp gặp nhiều khó khăn
Nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 185 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nông sản Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng và thế mạnh của mình.
"Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Về thương hiệu thì nông sản Việt Nam được bán ra ngoài thị trường thế giới, có đến 80% hàng nông sản thông qua các thương hiệu nước ngoài. Nói một cách khác, Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
Bên cạnh đó, về tín dụng ngân hàng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản còn nhiều vướng mắc. Trong bản tham luận "Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo để phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu" gửi tới diễn đàn, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An
phản ánh rằng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến nông dân đều rất cần mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị. Nhưng mô hình đúng đắn, hiệu quả và cần thiết này không phát triển nhân rộng ra được, thậm chí những vụ lúa gần đây diện tích cánh đồng lớn liên kết ở các địa phương ngày càng thu hẹp dần do thiếu vốn, kể cả vốn trung - dài hạn và nguồn vốn ngắn hạn.
Ông Bình cho rằng, nếu DN được vay đủ vốn để thực hiện dự án cánh đồng lớn liên kết, thì chỉ sau 3 đến 5 năm, ngành hàng lúa gạo vùng BBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ phát triển bền vững ổn định. Theo đó, mỗi năm XK gạo của Việt Nam còn thu thêm được không dưới 2 tỷ USD so với giá trị xuất khẩu gạo hiện nay trên cùng số lượng. Tức là Việt Nam XK 6 triệu tấn gạo từ lúa trong cánh đồng liên kết thì chuỗi lúa gạo Việt Nam sẽ thu về khoảng 5 tỷ USD chứ phải là 2 - 3 tỷ như hiện nay.
Đề cập tới cơ chế, chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng Phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo đó, đến nay dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng , tăng gần 6% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng hơn 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó: Dư nợ đối với doanh nghiệp nông nghiệp đạt gần 600.000 tỷ đồng,tăng 5,51% so với cuối năm 2018; Dư nợ cho vay liên kết đạt trên 6.200 tỷ đồng với gần 28.500 khách hàng, tăng gần 15% so với cuối năm 2018 (dư nợ đối với doanh nghiệp tham gia liên kết đạt 1.930 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31% dư nợ cho vay liên kết).
Tuy nhiên, bà Tùng cho rằng, việc triển khai cho vay liên kết theo chuỗi giá trị nông nghiệp gặp nhiều khó khăn: Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các TCTD trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi. Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai; Lĩnh vực xuất khẩu nông sản luôn phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại quốc tế;
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế.
Tăng cường năng lực cho DN, HTX, và nông dân về kỹ năng sản xuất
Đề xuất các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Trung - đại diện Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho rằng phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường; Tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu;
Đào tạo tập huấn tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ năng sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các kênh xuất khẩu, kiến thức về thương mại điện tử, kiến thức liên quan đến thị trường, tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm, về xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể;
Quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện NK sang thị trư; ng đã chấp nhận; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu, nhất là các thương hiệu quốc gia chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể...;
Khuyến khích đầu tư vào chế biến nâng cao giá trị của sản phẩm, triển khai có hiệu quả các chính sách đã ban hành; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chính sách, tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.
Vai trò của DN là tiên quyết
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hà Công Tuấn đánh giá nông nghiệp Việt Nam trong thời gian đã ghi nhận những kết quả tích cực. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân đã làm nên nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tái cơ cấu nông nghiệp tuy là bước đầu, đây là chương trình lâu dài, nhưng đã cho những trái ngọt đầu tiên, kể cả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất tốt, đến việc tổ chức sản xuất ở nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Việt Nam đã mở rộng thị trường quốc tế tới 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu tăng lên ổn định. Năm 2018 đạt kim ngạch 40,2 tỷ USD. Năm 2019 phấn đấu cao hơn dù rất nhiều khó khăn, nhất là thị trường và dịch bệnh. Chúng ta đa đảm bảo tốt chiến lược an ninh lương thực và thị trường 96 triệu dân ngày càng được sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao hơn, an toàn hơn và giá cả tương xứng với thu nhập của bà con.
DN trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh, nhất là trong 3 năm gần đây. Tính đến nay đã có 500 DN tham gia vào chuỗi từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tổng số 500 DN này chiếm khoảng 8% DN của đất nước.
"Thực sự DN của chúng ta, nhất là những DN lớn về vốn, có kinh nghiệm tốt về quản trị và thị trường, đã mang KHCN ứng dụng trong nông nghiệp thành những mô hình rất tốt, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, từ đó lan tỏa những mô hình tốt đối với 10 triệu nông dân", Thứ trưởng Bộ NN & PTNT nhấn mạnh.
Ông Hà Công Tuấn đã tái khẳng định rằng, bà con nông dân trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã có đóng góp rất quan trọng, làm nên những thành tựu có ý nghĩa trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền sản xuất mở hiện nay không thể duy trì sản xuất đơn lẻ, thay vào đó vào thúc đẩy hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.
"Trong điều kiện nền sản xuất mở, chúng ta có điều kiện về hệ thống DN, hợp tác xã, nhà khoa học, cùng sự đồng hành của Nhà nước. Chúng ta coi đây như động lực để thúc đẩy liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta sẽ phải làm và tôi tin tưởng chúng ta sẽ làm rất tốt. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện. Đây là thông điệp rất quan trọng tại diễn đàn này", Thứ trưởng nói.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, chủ trương chính sách của Nhà nước khẳng định rằng trong chuỗi liên kết rất đa dạng, vai trò của DN là tiên quyết. Nhà nước tạo cơ chế, sân chơi, DN làm là chính. Quốc gia nào, đất nước nào thì DN cũng tạo ra giá trị sản xuất cao hơn, đóng góp cho Nhà nước cao hơn. Không có bất kỳ quốc gia nào chỉ có Nhà nước hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước ta, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các DN khở nghiệp, DN tại những vùng miền khó khăn, những người yếu thế. Nhà nước có nhiều cơ chế nhưng vẫn khẳng định vai trò của DN.
"Với tinh thần Đảng và NN coi DN tư nhân là động lực quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước, tôi mong muốn các DN tư nhân sẽ lan tỏa tư tưởng, biến các quy định của pháp luật bằng những hành động cụ thể, qua đó tạo uy tín, thương hiệu và lợi nhuận cho DN, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế nước nhà", Thứ trưởng Hà Công Tuấn kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo