Thị trường

Thận trọng khi 'hút vốn ngoại' vào ngành gỗ

Thu hút FDI vào ngành gỗ tới đây xuất hiện 2 nguy cơ: Vốn kèm theo công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường, thường tập trung vào sơ chế đơn giản như ván, dăm; đồng thời, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang rất cần vốn nên dễ mất quyền kiểm soát vào tay nhà đầu tư nước ngoài.

Bị phạt 7,5 triệu đồng do dùng Facebook cá nhân bán mỹ phẩm nhập lậu / Tiếp tục giám sát chặt chẽ việc kinh doanh các mặt hàng phòng dịch Covid-19

Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn với các doanh nghiệp tại hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch Covid-19.

Doanh nghiệp động viên nhau để không bán tháo

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tháng 4/2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 734,2 triệu USD giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ 697 triệu USD, giảm 19%; lâm sản ngoài gỗ 37,2 triệu USD, giảm 21,7%.

Dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ phải có vốn tối thiểu từ 5-10 triệu USD (Ảnh: Tư liệu)

Dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ phải có vốn tối thiểu từ 5-10 triệu USD (Ảnh: Tư liệu)

Luỹ kế 4 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5%; lâm sản ngoài gỗ 207,46 triệu USD, tăng 14,3%. Riêng 5 thị trường xuất khẩu chính đạt 3,161,5 tỷ USD, chiếm 90,3% tổng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu suy giảm, đơn hàng bị hủy, hoãn khiến các doanh nghiệp trong ngành này lao đao. Ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc CTCP Woodsland chia sẻ, từ tháng 3/2020, dịch Covid-19 đã khiến các đơn hàng của doanh nghiệp về con số 0, kể cả những đơn hàng đã ra đến cảng cũng buộc phải dừng, phía khách hàng từ chối nhận do cửa hàng đóng hoàn toàn, các dịch vụ kho bãi cũng đóng cửa. Và cũng do tình trạng bất khả kháng nên cũng không thể truy cứu trách nhiệm của người mua hàng.

Tuy nhiên, theo dự đoán, ngành gỗ sẽ sớm hồi phục. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết một số sản phẩm đang có nhu cầu cao từ một số thị trường lớn, như: sản phẩm đồ nội thất phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm. Thị phần của các mặt hàng này hiện đang chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm đồ gỗ trên toàn thế giới, trong đó phần lớn được cung cấp từ Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và các hoạt động cạnh tranh thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện gặp khó khăn, và đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi các khách hàng lớn ở Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản... đang tìm thị trường cung cấp thay thế.

Do vậy, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, vấn đề quan trọng nhất với các doanh nghiệp hiện nay là phải giữ bằng được đơn hàng, thị trường. Nếu kim ngạch xuất khẩu 5 năm trước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 64-65%, giờ nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam lớn mạnh vươn lên nắm giữ thế chủ động nên khối ngoại chỉ còn nắm giữ 45%.

 

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, cơ hội chuyển dịch đầu tư tới đây có 2 nguy cơ: Vốn kèm theo công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường, thường tập trung vào giai đoạn đơn giản sơ chế ván, dăm; đồng thời doanh nghiệp gỗ khó khăn nên rất cần vốn, dẫn đến dễ mất quyền kiểm soát vào tay khối ngoại.

Vì vậy, ông Thứ trưởng Bộ NN&PTNTkhuyến nghị các doanh nghiệp cần động viên nhau để không bán tháo vốn rồi thua ngay trên "trận địa" của mình.

Đề xuất quy định vốn tối thiểu với dự án FDI

Khẳng định sẽ giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải về vốn, thuế, đất đai..., nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý các doanh nghiệp phải tập trung khai thác nhanh các thị trường mở trong thời gian tới. Những thị trường, khu vực, quốc gia nào khống chế được dịch Covid-19 thì phải khai thác ngay được thị trường đó.

Đồng thời, ngành gỗ phải tiếp tục tái cơ cấu ngành theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng nguyên liệu phải tổ chức xây dựng phát triển bền vững, đủ sức cung ứng nguyên liệu đa dạng. Về khu vực chế biến, phải hình thành được những tập đoàn lớn, những tụ điểm lớn, khu công nghiệp lớn chuyên vềsản xuất đồ gỗ mang tầm cỡ khu vực và toàn cầu, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Đặc biệt, về chính sách kêu gọi đầu tư FDI cho ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng: "Việt Nam khuyến khích mời gọi các nhà đầu tư FDI, nhưng chúng tôi đề nghị Chính phủ và các tỉnh phải có chính sách để kiểm soát, tránh chuyển dịch nhà máy với công nghệ cũ, mức đầu tư quá nhỏ, mà tối thiểu phải từ 5-10 triệu USD".

Ông Lập nhấn mạnh, cần không khuyến khích những mặt hàng mà thế giới đang áp thuế chống bán phá giá: "Không để những thuận lợi của mình giao cho người khác, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, để có chiến lược phát triển ngành gỗ đi cho nhanh và vững chắc đối với doanh nghiệp Việt. Các tỉnh nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất những sản phẩm đang có lợi thế để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị nhiều chục tỷ USD".

"Ngăn chặn sự chuyển dịch, trốn xuất xứ những mặt hàng mà thế giới đang áp thuế chống bán phá giá, không dung thứ và bao che những doanh nghiệp Việt tiếp tay, và trang bị những kiến thức, kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ để thích ứng với các cuộc điều tra của các nước về chống bán phá giá", ông Lập đề xuất.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian tới, ngành gỗ cần tập trung rà soát, cân nhắc kỹ và có lựa chọn các dự án đầu tư FDI ngành gỗ. Không khuyến khích, tiếp nhận và cấp phép đầu tư đối với các dự án quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường; các dự án sản xuất chế biến các sản phẩm đơn giản, bán thành phẩm. Tập trung ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm chế biến sâu, quy mô lớn để tăng sức cạnh tranh, tạo uy tín, thương hiệu của ngành chế biến gỗ của Việt Nam.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cân nhắc, lựa chọn và thu hút các dự án FDI ngành gỗ đảm bảo ưu tiên các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường…

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm