Thị trường

Thanh Hóa: “Treo bằng” đại học về quê nuôi giun, thu nửa tỷ đồng mỗi năm

Có một công việc ổn định tại Hà Nội khiến bao người mơ ước, nhưng anh Lê Văn Tình (34 tuổi), xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) đã bỏ ngang để về quê nuôi giun quế.

Quảng Nam: Nhiều mô hình nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao / Hà Tĩnh: Tuổi lục tuần vẫn quyết làm giàu từ trang trại

Nghĩ về những ngày đầu lập nghiệp, anh Tình kể: “Trong một lần đọc báo, tình cờ biết được một mô hình nuôi giun quế rất hiệu quả, tôi liền nghĩ ngay đến quê nhà. Thế rồi, sau khi tìm hiểu qua sách báo, mạng internet... tôi đã quyết định rời Hà Nội về quê để thực hiện ước mơ làm giàu trước sự khuyên can của mọi người”.

Những ngày đầu lập nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn bởi với chàng kỹ sư cơ khí tất cả đều xa lạ từ nguồn vốn, kỹ thuật nuôi... cho đến cách chăm sóc. Có thời điểm, giun quế chết hàng loạt, mô hình của anh tưởng chừng như “treo chuồng”. Nhưng tất cả không làm cho chàng trai trẻ nản lòng.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi giun quế rộng 1,5 ha, anh Lê Văn Tình bộc bạch: “Lúc ấy, ở địa phương chưa có ai làm mô hình này, bản thân lại chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật vì vậy giun chết rất nhiều... Đó là chưa kể đến thị trường đầu ra. Nhưng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc tôi lại không đành lòng. Ngoài việc tìm hiểu qua sách báo, tivi, trên mạng internet, hễ chỗ nào có mô hình nuôi giun quế tôi lại khăn gói đến để học hỏi. Sau khi đã tích lũy được ít kinh nghiệm, cùng với sự động viên của gia đình, anh em, bạn bè, tôi lại mạnh dạn vay mượn, đầu tư khu nhà nuôi giun quế, mua con giống, mua thức ăn cho giun... với kinh phí đầu tư khoảng 800 triệu đồng”.

Mô hình nuôi giun quế của gia đình anh Lê Văn Tình, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Mô hình nuôi giun quế của gia đình anh Lê Văn Tình, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Công sức, tâm huyết của chàng kỹ sư trẻ đã được đền đáp. Hiện mỗi năm mô hình nuôi giun quế của anh Tình thu mua khoảng 2.000 tấn phân trâu, bò... từ các trang trại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để về làm thức ăn cho giun quế. Hằng tháng, với 1m2 chuồng nuôi giun quế, anh Tình thu về 3kg giun thương phẩm với giá bán 80.000 đồng/kg. Giun quế thương phẩm được khách hàng mua chủ yếu làm thức ăn cho con lươn, tôm, cá...

Bên cạnh đó, mỗi tháng anh Tình bán khoảng 50-60 tấn phân giun quế, giá bán phân giun quế là 2.000 đồng/kg. Phân thải vật nuôi sau khi được giun quế tiêu hóa trở thành phân giun. Phân giun quế chứa hàm lượng N-P-K, các khoáng chất vi lượng cao với hơn 50% chất mùn, không có mùi hôi, không có độc tố như các loại phân thải khác nên rất tốt cho việc trồng rau sạch, ươm cây giống, cây cảnh bonsai... Đặc biệt, loại phân này có thể bón cho cây trồng với số lượng “quá tay” cũng không khiến cây ngộ độc như với phân bón hóa học... Ngoài ra, phân giun quế còn được xử lý thành dạng viên khô với giá bán 20.000 đồng/kg. Còn lượng giun thịt (giun bố mẹ) chế thành dịch giun, dùng phun, tưới khỏi sâu bệnh phá hại trên cây trồng rất hữu hiệu. Hiện trang trại nuôi giun quế của anh Tình đang tạo công việc cho 2 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu được khoảng 500-600 triệu đồng.

Theo anh Tình, giun quế là loại khá dễ tính. Nuôi không khó, chỉ cần hiểu được tập tính, chăm sóc đúng kỹ thuật thì nó sẽ mang lại nguồn kinh tế rất cao. Khi nuôi cần đảm bảo các yếu tố như: Thức ăn, độ ẩm và nhiệt độ. Bên cạnh đó, thức ăn của giun đơn giản chỉ là các loại phế phẩm trong chế biến thực phẩm, phân trâu bò, rơm rạ qua ủ vi sinh... Những sản phẩm này hiện rất sẵn có ở các vùng nông thôn. Trước khi cho giun quế ăn, nguồn thức ăn phải được kiểm tra kỹ. Bởi thức ăn phải sử dụng từ phân động vật, có nguồn gốc cụ thể. Và khu nhà nuôi cũng phải đảm bảo thông thoáng, tránh ánh sáng, nước mưa, thường xuyên kiểm tra chuồng nuôi...

“Tôi không hề giấu nghề và luôn mong muốn hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm nuôi giun quế, làm tiền đề phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời cam kết thu mua lại các sản phẩm này để phân phối rộng rãi. Không chỉ là nông nghiệp sạch, các loại thực phẩm này còn đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng”, anh Tình bộc bạch.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm