Thị trường

Thẻ vàng IUU khiến vị thế EU trong bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam mờ nhạt

DNVN - Dù giá trị xuất khẩu hải sản sang EU trong quý III/2022 vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thủy sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của thẻ vàng IUU.

Giá vàng ngày 24/10/2022: Tiếp tục tăng phiên đầu tuần / Giá heo hơi ngày 24/10/2022: Người chăn nuôi lãi 100 - 150 triệu đồng/tháng

Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, những ngày cuối tháng 10/2022, phái đoàn thanh tra EU sang Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, cũng như đầu tư hạ tầng thuỷ sản, tình hình nuôi trồng thuỷ sản.
"Trong bối cảnh của một năm đầy biến động như chiến sự, lạm phát, mất giá tiền tệ, mối quan ngại của doanh nghiệp thuỷ sản càng thêm nặng nề. Nếu thẻ vàng IUU vẫn chưa được tháo gỡ hoặc xảy ra tình thế xấu hơn đối với ngành khai thác thuỷ sản Việt Nam nếu bị cảnh báo thẻ đỏ", bà Lê Hằng chia sẻ.
Theo thống kê của Hải quan, đến hết quý III năm nay, khối thị trường EU chiếm 12% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, đứng thứ 4 sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Trong bức tranh xuất khẩu giá trị 8,5 tỷ USD với toàn màu xanh tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2022, thị trường EU cũng đóng góp một gam màu tươi sáng với giá trị đã chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Cuối tháng 10/2022, phái đoàn thanh tra EU sang Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, cũng như đầu tư hạ tầng thuỷ sản, tình hình nuôi trồng thuỷ sản.
Trong đó, tính đến hết quý III năm 2022, với 272 triệu USD, xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác biển chỉ chiếm 26% giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU, tăng 29%. Trong khi đó, xuất khẩu thuỷ sản nuôi trồng sang thị trường này chiếm 74% với 771 triệu USD, tăng mạnh 45%.
Ảnh hưởng của thẻ vàng IUU càng rõ nét trong năm nay, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến cho giá xăng dầu tăng vọt, ngư dân các tỉnh ven biển không thể ra khơi. Nguyên liệu khai thác vốn khan hiếm lại càng bị thắt chặt và riêng cho thị trường EU còn thiếu hụt hơn nữa vì những thủ tục làm giấy xác nhận, chứng nhận bất cập và khó khăn.
Do vậy, riêng với sản phẩm hải sản khai thác, trong 9 tháng đầu năm nay, EU chỉ chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu. So với các thị trường và nhóm thị trường chính nhập khẩu hải sản khai thác của Việt Nam, thị trường EU chiếm tỷ trọng thấp nhất.
Tính đến hết quý III/2022, xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam đã mang về trên 3,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường dẫn đầu là Nhật Bản, chiếm 23% với 795 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ đứng thứ hai, chiếm trên 19% với 655 triệu USD, cao hơn 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất, gấp hơn 2 lần với trên 470 triệu USD và là thị trường lớn thứ 3. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng nhập khẩu hải sản Việt Nam nhiều hơn EU với gần 380 triệu USD, tăng 20%.
"Như vậy, dù giá trị xuất khẩu hải sản sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thuỷ sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của thẻ vàng IUU", bà Lê Hằng nhận định.
Các sản phẩm hải sản khai thác chính xuất khẩu sang thị trường EU trong 9 tháng đầu năm gồm cá ngừ, mực, bạch tuộc, điệp, cá tuyết, ghẹ… Nhìn chung giá trị xuất khẩu các loài này đều cao hơn so với cùng kỳ.
EU và nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản đang "ngấm đòn" nặng nề bởi lạm phát. Bắt đầu vào những tháng cuối năm, giá cả hàng hoá và sinh hoạt đều tăng, do vậy người tiêu dùng phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu. Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU cũng như một số thị trường lớn khác bắt đầu chững lại từ tháng 9 và sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong những tháng cuối năm. Đơn hàng nhập khẩu mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó cho nhà xuất khẩu.
VASEP dự báo, xuất khẩu thuỷ sản 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, đưa kết quả cả năm 2022 lên khoảng 10,7 – 10,8 tỷ USD, và mục tiêu 10 tỷ USD dự kiến sẽ đạt được vào cuối tháng 11. Trong đó, thị trường EU dự kiến đạt khoảng 1,3 tỷ USD năm 2022.
Ngày 23/10/2017, Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng". Trong gần 5 năm qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ được cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đến nay chưa thể gỡ được thẻ vàng do trong nhật ký đánh bắt, ngư dân ghi chép không chuẩn, nhiều tỉnh ven biển xử lý vi phạm về chống IUU chưa quyết liệt. Thêm vào đó, tình trạng giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, khiến nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng khai thác.
Ngày 14/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg.
Đề án đặt ra mục tiêu 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.
Ngoài ra, 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAC.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm