Thêm cách tiếp cận nhà ở xã hội
Giá vé máy bay dịp 2/9 có tăng? / Xuất khẩu hơn 17 tấn mía tươi sang Mỹ
Luật Nhà ở(sửa đổi) đang được điều chỉnh để đảm bảo chỗ ở cho mọi công dân theo quy định của hiến pháp. Phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; khắc phục những vướng mắc, bất cập để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động là bài toán nhiều năm qua. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang được đề xuất tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Điều này liệu có thúc đẩy được thị trường nhà ở cho công nhân tốt hơn? Còn những vấn đề gì cần hoàn thiện khi một tổ chức chính trị-xã hội lại trở thành chủ đầu tư?
Luật nhà ở (Sửa đổi) là 1 trong những nội dung đáng chú ý trong đợt 2 phiên họp thứ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vấn đề nhà ở và nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm bởi còn nhiều vướng mắc tồn tại trong những năm qua.
Tạo mọi điều kiện để mọi người dân có chỗ ở
Cho ý kiến vào Luật Nhà ở sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị không quy định việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng về dự kiến chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm; cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân; làm rõ các quy định về xây dựng, cải tạo chung cư cũ.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rà soát kỹ các nội dung của Luật với các luật khác đang sửa đổi như Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản để tránh chồng chéo.
Hình minh họa.
Hiện đã có 2 thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai đầu tư xây dựng. Tại đây, công nhân mới chỉ được thuê nhà, còn mong mỏi của họ là được mua cho mình những căn hộ để an cư lạc nghiệp.
Kỳ vọng của công nhân lao động
Hơn 400 căn hộ tại Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam hầu như không có phòng trống. Kể từ khi được xét duyệt thuê căn hộ tại đây, gia đình chị Cao Thị Trang, quê ở Yên Bái cảm thấy chất lượng sống tốt hơn, an toàn hơn và con nhỏ có chỗ học tập gần nhà.
Chị Trang tâm sự: "Chúng em ở đây được sống ở môi trường có không gian hơn, không chật hẹp như ở nhà trọ".
Khu Thiết chế này có thiết kế hiện đại, lại nằm gần khu dân cư, trường học, nhà trẻ, chợ, trạm y tế, nhất là gần nơi làm việc, giá thuê hợp lý nên luôn đầy ắp các căn hộ.
Tuy nhiên, với trên 80.000 công nhân khu công nghiệp, trong đó khoảng 40% là người tỉnh khác thì Khu Thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở của người lao động.
Bà Phạm Thu Giang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam, cho biết: "Phần lớn những công nhân đã gắn bó lâu năm tại đây đều mong muốn mua được căn nhà lâu dài với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, nếu không có một cơ chế hỗ trợ cho vay tiền mua nhà thì họ rất khó thực hiện".
Chị Mễ Thị Thu, quê Phú Thọ, nói: "Rất nhiều công nhân lao động mong muốn sở hữu một căn nhà riêng cho bản thân nhưng giá đất cao quá nên chúng tôi khó theo được".
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm quy định: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho giấc mơ an cư lạc nghiệp của hàng triệu công nhân.
Đây là một ví dụ cho thấy chủ trương Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua được hiện thực hóa như thế nào.
Hiện cả nước mới hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 7,3 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động. Nguồn cung nhà lưu trú cho công nhân cả nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Những con số này sẽ không thể tăng lên nếu chính sách hợp lý chưa ra đời.
Khó khăn nhà ở công nhân
Hiện tại, phần lớn công nhân vẫn ở trong những căn nhà trọ do người dân xây dựng với giá thuê dao động từ 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng.
Chật chội, ẩm thấp, những dãy phòng trọ dài hun hút, với ba bốn người ở trong diện tích trên dưới 10 m2… là những điểm chung của nhiều nhà trọ gần các khu công nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Lan, quê Nghệ An, tâm sự: "Tôi thuê phòng ở đây diện tích có 16m2, tiền điện, tiền nước cũng chiếm hết thu nhập".
Nhà thương mại thì giá cao, nhà ở xã hội thì lại quá ít và khó tiếp cận nên giấc mơ có một căn nhà tại nơi làm việc trở nên xa vời với hầu hết công nhân. Như nhà chị Lã Thị Thùy Linh, tỉnh Hà Nam, thu nhập cả hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, dù có tiết kiệm đến 20 năm cũng chưa chắc đã đủ tiền mua một căn chung cư.
Chị Lã Thị Thùy Linh chia sẻ: "Mức giá nhà hiện nay là quá cao so với khả năng tài chính của chúng em".
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ bên ngoài khu công nghiệp và chi phí thuê nhà hàng tháng chiếm đến 30% trên tổng thu nhập của họ.
Anh Bùi Văn Đạt, quê Hòa Bình, cho biết: "Chúng em có nhu cầu mua nhà nhưng mức lương và mức thu nhập của chúng em thấp và chưa đủ".
Điều kiện bắt buộc để hình thành hoặc mở rộng khu chế xuất, khu công nghiệp là phải đáp ứng chuỗi hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp. Nhưng trên thực tế việc xây dựng các loại hình nhà ở này còn nhiều vướng mắc, bất cập dẫn tới người lao động phải tự mình xoay sở.
End of content
Không có tin nào tiếp theo