Thép Việt 'trở đi mắc núi trở lại mắc sông'
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép trong nước có nguy cơ xảy ra cuộc chiến giành thị phần gay gắt trên “sân nhà” do dư thừa nguồn cung lẫn khó khăn ở thị trường xuất khẩu (XK).
Khó khăn kép
Theo VSA, 8 tháng đầu năm 2019, sản xuất của ngành thép đạt 16.834.560 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2018; bán hàng đạt 15.499.068 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, các DN trong nước đang bị áp lực bởi sản lượng thép thừa quá lớn từ thị trường Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cho biết trong 7 tháng đầu năm 2019, lượng nhập khẩu (NK) sắt thép các loại đạt 8,39 triệu tấn, trị giá 5,64 tỷ USD, tăng 4,3% về lượng nhưng giảm 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Kết thúc tháng 7/2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 3,46 triệu tấn, trị giá đạt 2,19 tỷ USD, tăng giảm 10,5% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước
Đồng thời, VSA cho hay NK một số sản phẩm thép tăng cao so với cùng kỳ 2018 như thép hình 226.043 tấn, tăng 78%; dây thép 163.725 tấn, tăng 15,5%.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất thép của Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới với 14,5 triệu tấn thép năm 2018. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam cũng chịu tác động của sự biến động giá nguyên liệu sản xuất thép, chính sách bảo hộ ngành thép trên toàn cầu và dư thừa nguồn cung đối với một số sản phẩm thép.
Thị trường thép toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất. Trong những năm 2014-2015, giá thép giảm mạnh, XK thép Trung Quốc đạt mức kỷ lục 112 triệu tấn vào năm 2015. Đáng chú ý, lượng sản xuất thép thô của Trung Quốc 7 tháng 2019 đã đạt 577 triệu tấn, tăng 9% so với năm trước, tạo sức ép với thép Việt Nam.
Trong khi đó, XK thép của Việt Nam ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại. Mặt hàng thép thường xuyên phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm 35/142 vụ việc phòng vệ thương mại mà các nước điều tra với Việt Nam.
Nên hạn chế nhập khẩu
Các sản phẩm thép bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tương đối đa dạng và ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch XK lớn mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng XK trung bình và nhỏ. Hiện chỉ còn nhóm sản phẩm thép xây dựng chưa bị kiện phòng vệ thương mại và chiếm khoảng 22% tổng lượng XK thép của Việt Nam.
Dẫn đến, lượng XK mặt hàng này trong 7 tháng từ đầu năm 2019 đạt 3,89 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng nhưng giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến hết tháng 7/2019, sắt thép các loại chủ yếu XK sang các thị trường Campuchia là 1,04 triệu tấn tăng 44,7%; Indonesia: 430 nghìn tấn, tăng 13,8%; Malaysia: 439 nghìn tấn, tăng 11,3%; Hoa Kỳ: 308 nghìn tấn, giảm 42,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, XK một số sản phẩm thép có ưu thế của Việt Nam giảm như tôn mạ giảm 17,3%; ống thép giảm 15,4%.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, cho hay ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ việc gia tăng nguồn cung trong nước, cộng thêm hàng giá rẻ NK từ Trung Quốc. Mặc dù tiêu thụ có tăng trưởng nhưng lợi nhuận của nhiều DN sản xuất bị sụt giảm đáng kể so với năm 2018 do tình trạng cung vượt cầu và sự biến động tăng giá của nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và giá điện tăng trong thời gian qua.
“Sản phẩm của Trung Quốc quay đầu XK sang Việt Nam, làm cho miếng bánh thị phần của các DN ngày càng thu hẹp, gây ra khó khăn với ngành thép trong nước”, ông Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyên kiến nghị cơ quan nhà nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy định làm hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm thép NK; đồng thời có các chính sách và biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch đầu tư nước ngoài (trong đó có Trung Quốc) vào Việt Nam những công nghệ không thích hợp, tiêu hao năng lượng nhiều, gây ô nhiễm môi trường như các lò điện cảm ứng sản xuất thép.
Về phần DN, cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến nâng cao năng lực quản trị DN để hạ giá thành sản phẩm... Đồng thời DN phải tìm cách đa dạng thị trường XK, tránh tình trạng chịu thiệt hại nặng nề do “bỏ trứng vào một giỏ”.
Theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, có rất nhiều vụ kiện đối với ngành thép trong nước thời gian qua xuất phát từ việc sản phẩm nước ngoài chuyển sản phẩm qua Việt Nam gia công để lấy xuất xứ từ Việt Nam. Đặc biệt, với thủ đoạn lách thuế, nhiều sản phẩm thép NK vào Việt Nam có giá rất rẻ so với sản phẩm trong nước. Do vậy, cơ quan chức năng cần có chính sách bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ “sân nhà”, hạn chế NK các sản phẩm trong nước đã sản xuất được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu