Thị trường BĐS 'đứng hình' có thể khiến doanh nghiệp phá sản
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), 9 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS TP.HCM tiếp tục xu thế bị sụt giảm.
Trong đó, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra theo HoREA, cả thành phố hiện chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn hộ, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn hộ so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô nhỏ và trung bình, chỉ duy nhất dự án khu đô thị lớn tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ chiếm tỉ trọng áp đảo trên thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cho biết trong 2 năm gần đây, thị trường bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.
"Khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị "ách tắc" dẫn đến tình trạng mất cân bằng "cung-cầu" do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng", ông Châu lo ngại.
Theo đánh giá của đại diện HoREA, thị trường BĐS thành phố không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn đóng băng 2011-2013.
Thị trường BĐS thành phố rới vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng do thị trường BĐS có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.
Cũng theo HoREA, trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30%-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp. Các nhà cung cấp thiết bị, vật tư cũng bị sụt giảm doanh thu bán hàng.
Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.
Trước thực trạng này, HoREA đề xuất các giải pháp đẩy nhanh quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở. Đồng thời, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và bảo đảm kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Kiến nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính xem xét, chấp nhận các chi phí thực tế hợp lý của chủ đầu tư và cách tính doanh thu dự án, như: chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí đầu tư hạ tầng; hệ số diện tích sàn kinh doanh căn hộ; doanh thu giá bán căn hộ; doanh thu cho thuê phần diện tích thương mại, dịch vụ; chi phí đầu tư hạ tầng; suất đầu tư xây dựng chung cư cao tầng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo