Thị trường

Thị trường nội thất "mong chờ" doanh nghiệp nội

Đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp đồ gỗ nội thất Việt Nam quay trở lại thị trường trong nước, thay vì nhường "sân diễn" cho các thương hiệu ngoại.

Châu Âu siết quy định về hóa chất, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý / 4 chính sách nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 11/2018

Sân chơi của doanh nghiệp ngoại

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, ngành gỗ nội thất đang vào mùa cao điểm nhất trong năm với các đơn hàng tất bật được giao cho khách. Ước tính 2 tháng cuối năm nay, Việt Nam sẽ bán được 1,4 tỉ USD hàng gỗ nội thất cho thị trường các nước. Với con số này, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt mục tiêu đề ra là 9 tỉ USD.


Tuy nhiên, theo Thương vụ Ý, dù là quốc gia đang xuất khẩu gỗ và gỗ nội thất hàng đầu thế giới nhưng thị trường nội địa của VN lại đang thuộc về những "tay chơi" lớn như Đức và Pháp (phân khúc cao cấp), Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan (phân khúc còn lại).

Gỗ nội thất nhập khẩu Việt Nam đang bị hàng Trung Quốc áp đảo, chiếm đến 63%, Hàn Quốc 11%, tiếp theo mới đến nội thất Ý.

Năm 2018, dự kiến Việt Nam sẽ chi gần 500 triệu USD để nhập khẩu hàng nội thất và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Với nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân hơn 21 USD/người/năm, thị trường nội thất Việt Nam đang rất hấp dẫn thương hiệu quốc tế.

Nhiều thương hiệu đồ nội thất và trang trí đến từ Đan Mạch, Đức, Thụy Điển... đều đang có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, chất lượng các sản phẩm nội thất nhập khẩu tại các siêu thị nội thất và các cửa hàng chuyên bán đồ nội hiện vẫn còn khá nhập nhằng.

"Cửa" nào cho doanh nghiệp nội?

Điểm sáng hiện nay của ngành gỗ nội thất là ngày càng có nhiều doanh nghiệp nội thất gỗ quay trở về thị trường nội địa.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm tổng thư kí HAWA đánh giá, thị trường gỗ hiện nay đang được doanh nghiệp trong nước chú trọng, đáp ứng dàn trải từ phân khúc bình dân đến cao cấp, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa thương hiệu trong nước với các nhãn hàng quốc tế đang đổ bộ vào Việt Nam.

Nhìn nhận chung của các doanh nghiệp đang “chinh chiến” tại thị trường nội là hàng nội thất Việt Nam chưa khẳng định được thương hiệu, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến cho dù chất lượng sản phẩm khá tốt. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khi quay trở về đã tổ chức đầu tư khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề phân phối, tiếp thị bán lẻ.

Cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển thêm mảng bán lẻ là xu hướng tất yếu trước các biến động thị trường quốc tế. Thế nhưng, để trở lại thị trường này cần có sự am hiểu thực sự nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, không chỉ đơn thuần bán bàn ghế tủ... mà còn bán phong cách sống, thể hiện rõ gu thẩm mỹ tinh tế của chủ nhà.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lý Quý Trung - tổng giám đốc AKA Furniture Group, xây dựng một thương hiệu bán lẻ đúng nghĩa cần 30-50 năm, trong khi các công ty Việt Nam vẫn đang cố gắng xây dựng những hệ thống, làm sao để người tiêu dùng nghĩ đến hàng nội thất có chất lượng tốt mà giá cả không quá đắt là phải đến cửa hàng của mình. Trong giai đoạn này, làm được như vậy đã là thành công nhưng đáng tiếc chưa hình thành nhiều thương hiệu như vậy ở Việt Nam.

"Đồ nội thất "made in Vietnam" đang được xuất đi nước ngoài rầm rộ hiện nay chủ yếu là hàng gia công, nghĩa là vẫn còn mang trên mình thương hiệu nước ngoài. Về thị trường nội địa không thể giữ cách làm này." - ông Trung nói.

Theo enternews.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm