Thị trường thực phẩm Halal: Tiềm năng nhưng không dễ khai thác
Phiên chợ sản phẩm OCOP dưới chân núi LangBiang / Ngân hàng Thế giới: 2023 là một năm “kiên cường” của kinh tế Việt Nam
Thị trường hàng ngàn tỷ USD
Ngành công nghiệp Halal được giới chuyên gia định nghĩa là ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo.
Số liệu từ Trung tâm phát triển Halal của Malaysia cho thấy, thị trường Halal toàn cầu đạt 3.000 tỷ USD năm 2020 và ước tính đạt 5.000 tỷ USD năm 2030. Thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal đang tiếp tục thu hút sự chú ý ngày càng lớn của thế giới.
Tiêu thụ thực phẩm Halal tại khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt giá trị 1.972 tỷ USD vào năm 2024, với đa dạng sản phẩm, dịch vụ như bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm từ sữa, thực phẩm hữu cơ, thảo dược, mỹ phẩm, dược phẩm, nước hoa, ngân hàng, du lịch, logistics, chuỗi cung ứng…
Ông Ramlan Osman - Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam cho biết, thị trường Halal rất lớn. Trong một vài năm tới, giá trị thị trường được định giá lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Thị trường Halal là một thị trường tiềm năng và là cơ hội gia nhập cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bởi Việt Nam nằm gần các thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm Halal. Đây là “miếng bánh” khổng lồ để doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao sản lượng xuất khẩu.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…
Cùng với đó là những lợi thế về chính sách thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng, sự quan tâm của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường Halal toàn cầu.
Theo PGS, TS Lê Phước Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES), với cộng đồng DN, nếu sản phẩm có dấu chứng nhận Halal thì DN đang có có cơ hội, chìa khoá để mở cửa vào một thị trường rất rộng lớn.
Bà Trần Thị Ngọc Bích - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Hung Holdings cho biết, thời gian qua, DN nhận thấy tiềm năng của thị trường Halal là rất lớn nhưng Việt Nam gần như còn đang bỏ ngỏ. Theo đó, DN đã tiếp cận thị trường này từ đầu năm 2022.
Nhiều rào cản
Tuy vậy, theo Tổng giám đốc Long Hung Holdings, “do Việt Nam mới có các sản phẩm, đơn vị bắt đầu quan tâm tới thị trường Halal nên có lẽ đâu đó những đất nước Hồi giáo cũng chưa thực sự quan tâm đến thị trường Việt Nam để cung ứng sản phẩm cho đất nước của họ”.
“Niềm tin hoặc sự hiểu biết sâu sắc về sản phẩm chưa có. Do đó, DN cũng khó khăn khi tiếp cận thị trường này”, bà Bích nói.
DN Việt Nam phản ánh gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal. Ngoài chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal, DN gặp khó trong việc tìm hiểu thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal, quy trình chứng nhận Halal.
Các DN quan tâm đến thị trường Halal phản ánh, có rất nhiều rào cản để đạt được chứng nhận Halal và thâm nhập thị trường Hồi giáo. Nguyên nhân là các tiêu chuẩn này đòi hỏi ngặt nghèo từ nguyên liệu đầu vào đến chế biến thô… đều phải đạt chứng nhận Halal.
Trong đó, ở mỗi quốc gia lại có thêm một số tiêu chuẩn khác. Do đó, DN cố gắng đạt tiêu chuẩn ở quốc gia này, thì lại chưa bảo đảm tiêu chuẩn ở một quốc gia khác.
Để doanh nghiệp không bị bỏ lại phía sau
Cho rằng tiềm năng thị trường rất lớn và được định giá lên tới hàng nghìn tỷ USD trong vài năm tới, ông Ramlan Osman - Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam khuyến nghị, ngoài thị trường truyền thống như Trung Quốc, châu Âu, Việt Nam cần tham gia mạnh hơn vào thị trường Halal nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Những sản phẩm được chứng nhận Halal sẽ được người tiêu dùng quốc tế tin cậy và tin dùng.
Ở góc độ cơ quan quản lý, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra ngày 20/12 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, do các DN Việt Nam mới quan tâm và tiếp cận thị trường này nên cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường. Quy trình, thủ tục cấp chứng nhận Halal và các thông tin liên quan để phổ biến, hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, đăng ký thành công các chứng chỉ cần thiết cũng cần được lưu tâm.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal Việt Nam”.
Tăng cường hỗ trợ, kết nối các địa phương, DN Việt Nam với các đối tác ở một số nước có kinh nghiệm và vai trò quan trọng trong ngành Halal toàn cầu. Qua đó, huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện.
Bộ trưởng bày tỏ hy vọng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và cộng đồng DN, trong thời gian tới, tiêu chuẩn Halal không còn là rào cản với hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam mà ngược lại sẽ là cơ hội để các DN Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường mà đến nay còn chưa được khai thác đầy đủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo