Thích ứng để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Halal
Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ như thế nào? / Xuất khẩu thủy sản tăng tốc trở lại, tự tin vượt mục tiêu 10 tỷ USD
Hơn nữa, nhiều thị trường Hồi giáo sẵn sàng mở cửa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Vì vậy, việc thích ứng với những quy định mới của thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Nhận định từ các chuyên gia, thị trường Halal với quy mô khổng lồ và nhu cầu ngày càng tăng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể và đa dạng hóa sản phẩm cho doanh nghiệp Việt. Hiện tại, có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), hơn 2 tỷ người Hồi giáo, chiếm 25% dân số thế giới và có tốc độ phát triển 2,9%/năm. Đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và thường yêu cầu phải có chứng nhận Halal với ngành hàng thực phẩm.
Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025; trong đó, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương hiện nay tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu và những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành Halal: Xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030; trong đó, có Đề án về “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; Thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia; Ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Cùng đó, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu.
Đại diện Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) cho biết, theo tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "cho phép" hoặc “hợp pháp” theo quy định của kinh Qur'an và luật Sharia của Hồi giáo. Halal không chỉ đơn thuần liên quan đến sản phẩm không chứa cồn, không chứa thịt lợn hoặc các sản phẩm từ thịt lợn và việc giết mổ theo nghi lễ Hồi giáo. Phạm vi của Halal rộng hơn, nhấn mạnh tính trong sạch của sản phẩm, gần nhất với trạng thái tự nhiên.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, trong năm 2024, ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi. Các xu hướng Halal năm nay sẽ góp phần định hình lại môi trường kinh doanh Halal toàn cầu, tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới. Xu hướng xây dựng chuỗi giá trị Halal hiện nay là thị trường Halal đang chuyển dịch từ tư duy chỉ quan tâm tới sản phẩm Halal sang xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng Halal.
Cụ thể, các tiêu chuẩn Halal cần được mở rộng kiểm soát từ nguồn gốc, xuất xứ đến nơi người tiêu dùng mua hàng như các nhà bán lẻ, nhà hàng, mua sắm trực tuyến. Doanh nghiệp và bên cung ứng cần xây dựng thương hiệu Halal uy tín trên cơ sở chất lượng sản phẩm và chất lượng của toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh Halal; xây dựng lộ trình thực tế để triển khai chuỗi giá trị Halal. Một số sản phẩm đặc biệt đạt chuẩn Halal là sữa (bò, cừu, lạc đà, dê), mật ong, cá, rau tươi hoặc hoa quả khô; các loại hạt như đậu phộng, hạt điều, hạt phỉ… các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, lúa mạch.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đơn cử như Indonesia có quy định các sản phẩm Halal xuất khẩu sang nước này phải có chứng nhận do tổ chức đã đăng ký với Cơ quan bảo lãnh sản phẩm Halal (BPJPH). Đây là một cơ quan được hình thành dưới sự bảo trợ của Bộ Tôn giáo Indonesia. Theo Thông báo số 3737 của BPJPH ban hành ngày 8/8/2023, từ ngày 18/10/2024, thực phẩm và đồ uống nhập khẩu, lưu thông và kinh doanh tại Indonesia phải có chứng nhận Halal, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Bà Đào Thị thu Trang, Giám đốc Hợp tác xã Thực Phẩm Xanh (Phú Thọ) bày tỏ, hợp tác xã vẫn băn khoăn khi chuyển từ chứng nhận Halal Jakim, Halal Mui sang chứng nhận Halal BPJPH. Các thành viên cũng lo lắng về chi phí chứng nhận và chi phí duy trì chứng nhận Halal.
Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm có chứng nhận Halal BPJPH mới đối với mảng thực phẩm, đồ uống tuy có thời hạn 1 năm nhưng có thuận lợi là giúp doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tiêu thụ được ở nhiều nước, trừ Malaysia, GCC, Thổ Nhĩ Kỳ.
Để thâm nhập vào thị trường Halal, các chuyên gia khuyến cáo sản phẩm của Việt Nam từ thực phẩm, đồ uống, thời trang may mặc phải sản xuất theo quy trình, đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn và được chứng nhận đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Halal. Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm biện pháp chính gồm hỗ trợ kết nối địa phương, doanh nghiệp với đối tác, thị trường Halal toàn cầu trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm.
Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về Halal, tối ưu hóa quy trình chứng nhận, thúc đẩy thừa nhận, công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến Halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.
Cùng đó, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu. Ngoài ra, đẩy mạnh các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan Halal, nhất là về nông nghiệp, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, dược và mỹ phẩm, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến Halal (công nghệ, dây chuyền sản xuất, hậu cần…).
Đặc biệt, quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa thị trường cho sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trao đổi văn hóa nhằm tăng cường hiểu biết và tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp