Thị trường

Thời cơ để doanh nghiệp tạo đột phá trong bối cảnh nhiều "gam màu xám"

DNVN - Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, trong bối cảnh thế giới nhiều "gam màu xám" việc kịp thời nắm bắt, hoà nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới là cần thiết. Đây cũng sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra các đột phá, các nền tảng để bứt tốc trong tương lai.

Chưa có giải pháp đột phá để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam sau dịch / Giá vàng ngày 10/1/2023: Vàng tiếp đà tăng

Những "cơn gió ngược"
Thông tin được Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh tại "Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 - Diễn đàn thường niên lần thứ 15" với chủ đề "Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 11/1, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, việc Việt Nam duy trì tốt ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng GDP 8,02% năm 2022 , quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, xuất khẩu vượt 730 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm là các kết quả rất có ý nghĩa. Kết quả này không chỉ tạo dư địa cho điều hành vĩ mô năm 2023 mà còn là nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của giai đoạn 2023-2025.
Nhiều bài học đã được tổng kết, nhưng bài học về sự thích ứng, khả năng thích nghi, điều chỉnh, bám sát thực tiễn là rất đáng lưu tâm trong bối cảnh thế giới bất ngờ, bất trắc, bất định như thời gian qua.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Với năm 2023, môi trường quốc tế và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều biến động, rủi ro, nhiều mặt sẽ khó khăn, thách thức hơn.
Trong đó, kinh tế thế giới có 3 đặc điểm, xu hướng đáng chú ý. Thứ nhất, kinh tế thế giới đang mất dần động lực tăng trưởng, đứng trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật. Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu – đầu tư – tiêu dùng toàn cầu dự báo sẽ suy giảm. Thứ hai, các chuyển đổi mang tính cơ cấu sẽ tiếp tục tạo ra các “va đập”, “tái cấu trúc” và định hình các nguyên tắc, “luật chơi” mới trong quản trị kinh tế toàn cầu. Thứ ba, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, được đánh giá là trọng tâm của kinh tế thế giới, là động lực tăng trưởng, đồng thời là trung tâm của nhiều liên kết, sáng kiến kinh tế mới của các nước.
Dẫn dự báo của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm 6 quốc gia và vùng gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 6 quốc gia này và Hồng Kông được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn. Vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Trong 10 quốc gia chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.
Về vấn đề đầu tư, trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam), ngoài Thái Lan có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023 thì các đối tác còn lại gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.
"Như vậy, rõ ràng các con số này phản ánh những tác động của suy thoái toàn cầu nói chung cũng như các nền kinh tế sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Cơ hội để bứt tốc
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, bối cảnh nhiều gam màu xám nêu trên cũng cho chúng ta thấy những cơ hội. Nếu kịp thời nắm bắt, hoà nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút được các nguồn lực đầu tư mới, đây cũng sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra các đột phá, các nền tảng để bứt tốc trong tương lai.
Trong bối cảnh này, cần chú trọng phương châm 3K: Kiên định - Kiên quyết - Kiên trì. Đó là kiên định ổn định chiến lược; kiên quyết giữ vững "tự chủ, tự cường" gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên cơ sở làm chủ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số; kiên trì “phát triển bền vững”, các chính sách, kế hoạch sẽ phải điều chỉnh, thích ứng với tình hình dự báo nhiều bất ổn của năm 2023.
"Qua trao đổi đối ngoại, chúng tôi thấy có những thời cơ xuất hiện nhưng cũng đang kết thúc nhanh trong 1-2 năm tới để đất nước có thể bứt phá thông qua việc kết nối kịp thời với những xu thế phát triển mới, quá trình sắp xếp lại các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất với vị trí địa chiến lược của đất nước nằm ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Năm 2022, chúng ta đã xây dựng được nhiều quy hoạch vùng, địa phương, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2023, cần nhanh chóng cụ thể hoá các chủ chương, chính sách này thành các kế hoạch, biện pháp, dự án cụ thể", Thứ trưởng nói.
Ông Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy phát biểu khai mạc diễn đàn.
Ông Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy cho biết, với tinh thần và bản lĩnh đã được tôi rèn và trụ vững trong nhiều hành trình đã qua và đặc biệt trong 3 năm gần đây, là nền tảng để Việt Nam tự tin đối mặt với những thách thức đang và sẽ diễn ra.
Năm 2023 được dự liệu có nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trước những diễn biến khó lường và bất định của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Những khó khăn đã hiện hữu và tác động trực diện vào một số ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam từ quý IV/2022.
"Các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ có những "cơn gió ngược" mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Khái niệm “cơn gió ngược” chúng ta mới gọi để phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian gầy đây. Tuy vậy, người Việt Nam chúng ta cũng đã quen với những “mùa gió chướng” hay “những cơn gió mùa đông bắc tràn về". Với những cơn gió đó, chúng ta cần chuẩn bị giữ ấm như thế nào, sử dụng những phương tiện gì, để có thể vượt qua và trở nên mạnh khỏe hơn", ông Chử Văn Lâm bày tỏ.
Với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thử thách”, Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm nay được cấu trúc thành 2 phiên. Trong đó phiên tranh biện, các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định các chiều hướng của thách thức và đánh giá khả năng xoay chuyển tình thế của Việt Nam. Tại phiên thảo luận, các diễn giả trao đổi từng vấn đề cấp thiết nhất liên quan đến hoạt động của các ngành, các thị trường và khu vực doanh nghiệp để thấy rõ được, tính chủ động và khả năng vượt qua thử thách ra sao.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm