Thị trường

Thông “tuyến cao tốc” EVFTA: Cơ hội lớn cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực

DNVN - Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ hôm nay, đây được ví như tuyến “tuyến cao tốc đặc biệt” mở ra cơ hội đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam với EU, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Thoát nghèo từ trồng bí xanh theo tiêu chuẩn VietGAP / EVFTA: Doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh khai thác thị trường ngách

Cơ hội cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực được cả doanh nghiệp EU và Việt Nam kỳ vọng là cú hich cho xuất khẩu mỗi bên, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.

Theo các chuyên gia, EVFTA triển khai vào hôn nay sẽ giúp Việt Nam có cơ hội đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, thuỷ sản hay dệt may, da giày... vào thị trường 27 nước châu Âu, hay thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại từ các doanh nghiệp khu vực này thời gian tới. Còn với EU, đây sẽ là cơ hội đem lại những ưu thế cho nhà đầu tư châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam, nơi vốn được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực.

Khi "tuyến cao tốc đặc biệt" nối Việt Nam với EU được mở ra, thì sẽ giúp nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực được cắt giảm mức thuế đáng kể theo lộ trình.

EVFTA giúp ngành gỗ tăng trị giá vào thị trường EU.

EVFTA giúp ngành gỗ tăng trị giá vào thị trường EU.

Trong đó, nông lâm thuỷ sản được đánh giá là mặt hàng hưởng lợi nhất. Theo phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội rất lớn khi doanh nghiệp có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ thủy sản trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới.

Tổng thư ký Hiệp VASEP - Trương Đình Hòe chia sẻ, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17% -18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%.

Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ, dư địa thị trường EU đối với sản phẩm đồ gỗ còn rất lớn. EU hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới. Và Việt Nam mặc dù là một trong 5 quốc gia chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, nhưng kim ngạch xuất vào EU còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của khối này.

Theo ông Phương, việc EVFTA có hiệu lực, nhà nhập khẩu EU sẽ ưu tiên mua sản phẩm gỗ Việt Nam để được cắt giảm thuế. Giá thành đồ gỗ Việt Nam tại EU cũng sẽ giảm và trở nên hấp dẫn người tiêu dùng hơn.

 

Cùng với nông lâm thủy sản, việc EVFTA có hiệu lực từ ngày hôm nay cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho hai ngành da giày và dệt may. Theo nhận định của Bộ Công Thương, khả năng phát triển của ngành da giày Việt Nam sẽ tiếp tục rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của EVFTA.

Cụ thể, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn thứ 2 của Việt Nam với khoảng 30% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, Đức, Pháp, Bỉ là các thị trường chính. Vì vậy, việc EVFTA đi vào thực thi, sẽ tạo cho Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu hơn, đồng thời xung lực thu hút đầu tư của các nước nước EU vào các ngành công nghiệp phụ trợ nhiều hơn.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam chịu mức thuế suất phổ biến từ 8% -12% vì thế các nhà nhập khẩu EU thường ưu tiên mua hàng của các đối tác đã có hiệp định thương mại tự do để được hưởng ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực thì hơn 40% số dòng thuế sản phẩm dệt may được xóa bỏ về 0% ngay, số còn lại sẽ được xóa bỏ sau 3-7 năm. Đồng nghĩa với việc hàng dệt may Việt Nam xuất vào EU có thể cạnh tranh bằng chi phí sản xuất, giảm giá bán ra thị trường. Các nhà nhập khẩu cũng sẽ ưu tiên mua hàng dệt may của Việt Nam.

Cần chú trong khâu hậu kiểm, không buông lỏng kiểm soát

 

Việc EVFTA bắt đầu có hiệu lực sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, không phải con đường lớn nào cũng dễ đi. Bởi lẽ, việc bước vào "sân chơi" lớn cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới.

Các quốc gia nhập khẩu của EU sẽ tăng cường biện pháp kỹ thuật về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; thậm chí, yêu cầu trách nhiệm với môi trường và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Để làm tốt những yêu cầu khắc khe đó, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt cần làm là nâng cấp quản trị, đầu tư thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ của hiệp định.

EU luôn chú trọng đến khâu hậu kiểm và không buông lỏng kiểm soát

EU luôn chú trọng đến khâu hậu kiểm và không buông lỏng kiểm soát.

Chia sẽ tại diễn đàn trực tuyến thương mại và công nghiệp với đối tác liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại của Việt Nam tại Bỉ cho rằng, EU luôn chú trọng đến khâu hậu kiểm và không buông lỏng kiểm soát. "Doanh nghiệp đưa hàng hoá vào EU đừng nghĩ thủ tục đơn giản mà chủ quan", ông Quân chia sẻ.

 

Theo ông, EU cũng sẻ để ý đến hàng hoá từ những nước láng giềng của Việt Nam cũng có thể lợi dụng FTA này để xuất hàng vào châu Âu thông qua con đường đổi xuất xứ. Nếu xảy ra trường hợp này, EU sẽ đề nghị xác minh rất nghiêm ngặt.

"Các doanh nghiệp Việt cần phải bảo vệ mình, bảo vệ thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Tiếp tay cho bên thứ ba để hưởng lợi bất hợp pháp thì EU sẽ có những biện pháp phòng vệ và trả đũa. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp Việt, uy tín Việt Nam", ông Quân lưu ý.

Tiếp tục hỗ trợ, làm cầu nối cho doanh nghiệp hai bên

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Jean Jacques Bouflet cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam.

Theo ông Jean Jacques Bouflet, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch, cho thấy việc xử lý hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ đã có tác động rõ rệt và củng cố thêm niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

 

Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn trực tuyến hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu. (Ảnh: ĐL)

Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn trực tuyến hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu. (Ảnh: ĐL)

“EuroCham khẳng định cam kết hợp tác lâu dài để xây dựng cộng đồng DN hai bên cùng phát triển thành công trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục quảng bá Việt Nam trở thành điểm đến cởi mở, cạnh tranh trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Jean Jacques Bouflet cho biết.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đã không ngừng phát triển trong những năm qua.

 

Việc EVFTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp hai bên. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, phải nhìn nhận rằng, các hiệp định này không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ; tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà Hiệp định EVFTA và EVIPA đem lại từ đó trụ vững và phát triển trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm, Chính phủ và Bộ Công thương, cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại các nước Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh. Đồng thời, cũng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp châu Âu.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo