Thị trường

Thủ đoạn buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi

DNVN - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống và xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Song một số đối tượng vẫn bất chấp, ngang nhiên buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Ðiều này gây tổn hại tới lợi ích người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến DN làm ăn chân chính.

Hàng xuất nhập khẩu qua cảng biển tăng trưởng tốt / Việt Nam - Slovenia: Tiềm năng hợp tác về cung ứng máy móc chế biến nông, lâm, thủy sản

Nhiều vụ việc bị phát hiện

Chỉ trong thời gian ngắn, qua công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Long An đã liên tiếp phát hiện các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm.

Cụ thể, vào tháng 7/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính đối với 3 doanh nghiệp có trụ sở tại các huyện Thủ Thừa, Bến Lức và Ðức Hòa. Theo đó, các doanh nghiệp này đã vi phạm về kinh doanh xăng E5 Ron 92 có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, bán xăng Ron 95 III cao hơn giá niêm yết, mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống,...

Ba doanh nghiệp nêu trên đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 154,7 triệu đồng, đồng thời, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trong thời hạn một tháng, buộc thu hồi số lượng xăng E5 Ron 92 không đạt chất lượng để tái chế theo quy định.

Nghiêm trọng hơn, qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 33 (huyện Châu Thành), lực lượng Quản lý thị trường phát hiện cửa hàng này đang bán hàng cho khách, trong khi giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã bị Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH&CN Long An) tước ba tháng, do vi phạm kinh doanh xăng Ron 95 có chất lượng không phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quy định.

Trước lỗi vi phạm này, cửa hàng đã bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền 3,55 triệu đồng, đình chỉ hoạt động hai tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.

Lực lượng quản lý thị trường lấy mẫu, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Bình Dương.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Bình Dương.

Tương tự, qua thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, lực lượng chức năng của tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện Công ty TNHH MTV Xăng dầu Giang Sơn Thới Hòa (địa chỉ huyện Trà Ôn) bán 3.000 lít xăng Ron 95 III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quy định (kết quả thử nghiệm có trị số Octan = 94,0). Doanh nghiệp này đã bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 172 triệu đồng, phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh một tháng.

Tại Tây Ninh, trong quá trình thanh kiểm tra trên địa bàn, lực lượng chức năng đã phát hiện hai doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là Công ty TNHH MTV Ngọc Qui và Chi nhánh 5 thuộc Công ty TNHH Long Thái Hòa có hành vi bán xăngcho khách hàng không đạt quy chuẩn chất lượng theo quy định. Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với 2 đơn vị này với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, hai doanh nghiệp trên còn phải thực hiện mức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của Cửa hàng bán lẻ xăng dầu và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu thời gian 2 tháng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm mà có.

Cần chế tài đủ mạnh

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận xăng dầu ngày càng tinh vi; các đối tượng móc nối chặt chẽ với nhau tạo thành đường dây khép kín. Mỗi nhóm đối tượng chỉ thực hiện một công đoạn độc lập, dưới sự chỉ đạo điều hành của chủ đầu nậu.

Hiện nay, để kiểm soát được chất lượng xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, như các đối tượng có ý gian lận về xăng dầu rất dễ dàng mua được các chất dung môi, phụ gia, dùng để pha chế xăng dầu kém chất lượng.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra lấy mẫu, có xác định lượng hàng tồn nhưng lực lượng chức năng không thể tạm giữ bởi quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả sai phạm thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn xử lý tang vật.

Thủ đoạn vi phạm của các đối tượng là pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 với chất dung môi bột tạo màu. Xăng, dầu kém chất lượng khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, lợi dụng việc thực hiện Đề án tiêu thụ xăng E5, một số đối tượng đã thực hiện việc pha trộn xăng sinh học E5 RON 92 vào xăng không chì RON 95 với một tỷ lệ nhất định bán ra thị trường để hưởng chênh lệch giá.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng thừa nhận hiện đang có bất cập trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu nên mới có tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ.

Mặc dù đã có quy định thương nhân kinh doanh cửa hàng phải ghi chép chứng từ, số lượng và chất lượng xăng dầu, nhưng trên thực tế chỉ kiểm soát được đầu vào.

Người dân mua xăng dầu tại các cửa hàng không lấy hóa đơn khiến cho cơ quan chức năng không thể kiểm soát được lượng xăng dầu bán ra. Do đó, các hệ thống có thể nhập nhèm đưa xăng lậu, xăng kém chất lượng vào tiêu thụ.

Việc kiểm tra các cửa hàng xăng dầu tập trung chủ yếu vào các vi phạm về niêm yết giá, gian lận, bơm thiếu xăng. Còn việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, đòi hỏi phải có sự chung tay của Sở Khoa học và Công nghệ, do có các quy định của Nghị định 83/2016/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Chia sẻ với báo giới về chất lượng xăng dầu trên thị trường, ông Nguyễn Anh Toàn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, xăng dầu lưu thông không ngừng, từ nhà máy lọc dầu qua các cơ sở sản xuất, pha chế của doanh nghiệp, thông qua kho chứa, phương tiện vận tải, cửa hàng xăng dầu để bán lẻ đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khâu phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là việc bán lẻ, nếu không kiểm soát tốt rất dễ bị các đối tượng hám lợi nhuận trà trộn, đưa xăng dầu giả, kém chất lượng vào hệ thống tiêu thụ, kiếm lời bất chính. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, khách hàng phải là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn, sử dụng các sản phẩm bảo đảm chất lượng được cung cấp bởi các cửa hàng, đại lý của những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường.

Nhằm ngăn chặn triệt để hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, các chuyên gia kinh tế cho biết, bên cạnh trách nhiệm của lực lượng chức năng, đòi hỏi chính quyền địa phương tích cực vào cuộc. Cần gắn trách nhiệm cụ thể đối với chính quyền cấp địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; kịp thời khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt và đề nghị xử lý kỷ luật với những đơn vị, địa phương để xảy ra các vi phạm.

Đồng thời, trong quá trình cấp phép kinh doanh xăng dầu, cơ quan quản lý phải yêu cầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nếu có vi phạm, cơn quan quản lý phải xử lý nghiêm, đồng thời rút giấy phép; thậm chí rút phép vĩnh viễn không cho kinh doanh nếu vi phạm nhiều lần, nhất là vi phạm về chất lượng.

TP.HCM: Xử nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu

Trước diễn biến phức tạp của những hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu đang diễn ra hiện nay, UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, lực lượng, UBND TP Thủ Đức và UBND các quận - huyện chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (địa điểm lưu kho, bồn chứa xăng dầu, giai đoạn phân phối lưu thông, các địa điểm tồn trữ các chất dung môi dễ bị lợi dụng pha trộn với xăng dầu) triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện kịp thời đấu tranh quyết liệt với đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, tập trung đấu tranh với các đối tượng chuyên điều hành hoạt động pha trộn xăng dầu giả, kém chất lượng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở ngành, đơn vị, lực lượng chức năng, nhất là các cơ quan, đơn vị có liên quan đến thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ các thương nhân nhập khẩu, đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện trong nhập khẩu, sản xuất, phân phối lưu thông, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như gian lận về đo lường, không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Bên cạnh đó, giao Cục Quản lý thị trường thành phố khẩn trương tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xăng dầu với vai trò chủ trì, phối hợp với các sở Sở Công Thương, Sở KH&CN và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tổ chức kiểm tra trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu giả, xăng dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu, quy định về kinh doanh xăng dầu.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm