Thị trường

Nỗ lực bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước

Bộ Tài chính mới đây cho biết, trải qua hơn một năm dịch Covid-19 hoành hành, và hiện đang đối mặt với làn sóng thứ ba của dịch bệnh, việc điều hành và thực thi hoạt động thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 sẽ đi theo định hướng như thế nào là vấn đề được dư luận xã hội và cộng đồng người nộp thuế hết sức quan tâm.

2 tháng đầu năm 2021: 2 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Mỹ / Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 27: Thông qua 10 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế

Có thể nói, năm 2021 tiếp tục là một năm ngành tài chính phải rất nỗ lực, linh hoạt để vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa hỗ trợ người nộp thuế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đi vào hoạt động góp phần nâng cao năng lực quản lý thuế. Ảnh: KHÁNH AN.

Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đi vào hoạt động góp phần nâng cao năng lực quản lý thuế. Ảnh: KHÁNH AN.

Bài 1: Tái định hình khuôn khổ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp về thuế, phí phù hợp để nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân. Đầu năm 2021, sau khi các chỉ tiêu dự toán pháp lệnh được ban hành nhưng dịch bệnh bùng phát bất ngờ, các cơ quan tài chính nói chung, cơ quan thuế nói riêng lại tiếp tục hành trình thu ngân sách trong tình thế có thể còn nhiều bất ổn ở phía trước.

Thu NSNN nhìn từ Hà Nội

Theo báo cáo của Cục Thuế TP Hà Nội, năm 2020, tổng thu NSNN của thành phố do ngành thuế quản lý thực hiện được 268,6 nghìn tỷ đồng, đạt 103,1% dự toán được giao, tăng 7% so thực hiện năm 2019. Năm 2021, Cục Thuế TP Hà Nội được thành phố giao nhiệm vụ thu gần 233 nghìn tỷ đồng, cao hơn số Bộ Tài chính giao 15,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, TP Hà Nội giao nhiệm vụ thu nội địa xấp xỉ 232 nghìn tỷ đồng (thu tiền sử dụng đất là gần 22,7 nghìn tỷ đồng và thu nội địa không bao gồm tiền sử dụng đất là xấp xỉ 209 nghìn tỷ đồng). Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và thực tế dịch Covid-19 đang tái diễn, chắc chắn sẽ có nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế - xã hội Thủ đô. Nếu đại dịch Covid-19 kéo dài, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới thương mại, đầu tư, tăng trưởng… Chắc chắn là đơn vị phải có giải pháp rất sát thực tế mới có thể hoàn thành mục tiêu thu ở mức cao nhất - Phó Cục trưởng Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường nhận định.

 

Tổng thu NSNN tháng 2-2021 do ngành thuế quản lý thực hiện được 14,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế hai tháng đầu năm thực hiện được gần 48,3 nghìn tỷ đồng, đạt 22,3% dự toán pháp lệnh, đạt 20,8% dự toán thành phố giao và bằng 96% so cùng kỳ. Trong đó, số thu nội địa trừ dầu thô ước thực hiện được hơn 48 nghìn tỷ đồng, đạt 22,3% dự toán pháp lệnh, đạt 20,7% dự toán thành phố giao, bằng 96,6% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh lũy kế hai tháng đầu năm đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, đạt 25,6% dự toán pháp lệnh, đạt 24,6% dự toán thành phố giao, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2020; thu từ nhà, đất hai tháng đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7% so cùng kỳ năm 2020 và thu từ các khoản thuế, phí khác thu được 12,1 nghìn tỷ đồng. Như vậy, TP Hà Nội còn một số dự toán rất cao phải thực hiện trong 10 tháng còn lại của năm, trong điều kiện dự tính còn khá nhiều bất ổn ở phía trước và sinh lực của nền kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi.

Lần đầu giảm số thu ngân sách

Vì điều kiện bất lợi do dịch bệnh, trên địa bàn toàn quốc, số thu NSNN được điều chỉnh giảm. Theo dự toán thu cân đối NSNN năm 2021, số phải thu đã giao là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, giảm 11,1% so dự toán năm 2020. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5% GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13% GDP. Trong thực hiện, ước tổng thu NSNN lũy kế hai tháng đầu năm chỉ 247 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% so dự toán pháp lệnh, bằng 98,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số thu từ dầu thô ước đạt 4.897 tỷ đồng, bằng 21,1% so dự toán, bằng 46,7% so cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 242 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 100,8% so cùng kỳ năm 2020. Nếu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ước đạt 200.392 tỷ đồng, bằng 22,7% so dự toán pháp lệnh, bằng 107,3% so cùng kỳ năm 2020. Như vậy, so với dự toán, có 8 trong số 18 khoản thu, sắc thuế đạt khá (hơn 20%), trong đó phải kể tới một số khoản thu lớn như: thu từ khu vực DNNN ước đạt 20,4%; DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 25,4%; khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh ước đạt 26,5%; thuế TNCN ước đạt 25%; thu từ xổ số ước đạt 28,4%; tiền sử dụng đất đạt 21,7%...; Có 7 trong số 18 khoản có tiến độ thu chậm (đạt dưới 19%) như: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ước đạt 7,1%; tiền thuê đất ước đạt 13,6%; thuế bảo vệ môi trường ước đạt 14,2%; tiền bán nhà ước đạt 6,8%...

Còn nếu so với cùng kỳ, có 7 trong số 18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng là: Khu vực DNNN bằng 106,9%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ước bằng 105%; khu vực CTN-NQD ước bằng 120,7%; thuế TNCN ước bằng 100,9%... Có 11 trong số 18 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ như: thuế bảo vệ môi trường bằng 97,2%; phí, lệ phí bằng 94,9%, tiền thuê đất bằng 90,7%... Theo đó, số thu ngân sách T.Ư lũy kế hai tháng đầu năm ước đạt 109 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, bằng 93,3% so cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 137.449 tỷ đồng, bằng 22,8% dự toán, bằng 103,2% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, số lượng cần thu vào ngân sách năm 2021 còn rất lớn, nếu dịch bệnh vừa kéo dài vừa bất ngờ bùng phát, sẽ tạo nhiều nguy cơ bất ổn cho công tác thu. Chính vì vậy, không chỉ bám theo các giải pháp đã đề ra từ đầu năm, mà ngành thuế còn phải chủ động bám sát tình hình, nâng cao công tác dự báo, không để lọt nguồn thu nhưng cũng để xảy ra tình trạng gạn thu, xói mòn nguồn thu bền vững. Điều này thật sự trở thành thử thách bản lĩnh cơ quan thuế các cấp.

 

Bắt đầu từ năm 2020, điều kiện mới của đất nước đã buộc lãnh đạo Tổng cục Thuế phải chủ động đề xuất, thực hiện nhanh việc theo dõi các nguồn thu mới xuất hiện trong nền kinh tế, tuân thủ chỉ đạo xuyên suốt của ngành thuế về phát hiện và nắm chắc nguồn thu. Theo đó, Tổng cục yêu cầu cơ quan thuế các cấp rà soát lại toàn bộ các nguồn thu trên địa bàn; tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp công tác quản lý thu, tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để xác định chính xác, số DN tạm nghỉ kinh doanh, số DN báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng bảo đảm hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng,...

Chính vì thế, bước vào năm 2021, kết quả công tác thanh tra kiểm tra thuế cho thấy, chỉ trong hai tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 3.412 cuộc thanh tra, kiểm tra đạt 3,29% kế hoạch năm 2021 (3.412 DN/103.569 DN), bằng 95% so với cùng kỳ năm 2020; kiểm tra được 16.500 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 70,38% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.384 tỷ đồng bằng 34,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 779,56 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 123,92 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.480 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp ngân sách là 345,23 tỷ đồng, đạt 44,28% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.

Riêng công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT đã cho thấy, đến nay, toàn ngành thuế đã thực hiện được 505 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là: 2.497,8 tỷ đồng (trong đó, số quyết định ban hành trong năm 2021 là 20 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 229,1 tỷ đồng; số quyết định ban hành trước năm 2020 là 485 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 2.269 tỷ đồng). Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 14,35 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 10,38 tỷ đồng, phạt là 3,97 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước là 3,46 tỷ đồng). Tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm hết tháng 2 là 97.460 tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuế có khả năng thu là 43.679 tỷ đồng. Tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nợ có khả năng thu là 17.788 tỷ đồng, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Thuế, tháng 2 trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 cùng với đợt bùng phát dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, do đó hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch giảm so với tháng trước. Hai tháng đầu năm, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức tăng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%; ước xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Về đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm lại, đồng thời chủ đầu tư, nhà thầu chủ yếu tập trung thực hiện các dự án chuyển tiếp nên tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn NSNN hai tháng đầu năm so với kế hoạch đạt không cao, bằng 9% so với kế hoạch năm. Sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tính giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng 2 năm nay ít hơn tám ngày và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm