Thị trường

Thu hút FDI: Kỳ vọng thêm những “đại bàng” từ Mỹ

Hiện Mỹ có khoảng 1.200 dự án, tổng vốn đạt gần 11,4 tỷ USD. Đó là một thành tựu đáng kể, dựa trên sự nỗ lực từ hai phía, cho thấy sự tương hỗ giữa hai nền kinh tế.

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng mạnh / Thị trường bánh Trung thu 2023 có gì mới lạ?

Hôm nay 10/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng. Được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam nhiều hơn nữa các khoản đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Mỹ.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất

Từ mức chỉ khoảng 450 triệu USD năm 1995, đến năm 2022, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Đến năm 2022, Mỹ đứng thứ 11 trong số 141 quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây mới là con số đầu tư trực tiếp từ Mỹ sang Việt Nam, còn thực chất nhiều hơn khi thông qua nước thứ 3 vào Việt Nam và con số đầu tư có thể lớn hơn nhiều 11 tỷ USD (theo thống kê chính thức). Trong nửa đầu năm 2023, các nhà đầu tư Mỹ đã đóng góp trên 405 triệu USD, đứng thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Thu hút FDI: Kỳ vọng thêm những “đại bàng” từ Mỹ

Việt Nam hấp dẫn vốn FDI từ Mỹ. Ảnh minh hoạ

Do chi phí lao động tăng cao, nhu cầu đa dạng hóa và chính phủ chuyển trọng tâm từ các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sang các ngành công nghệ cao, các doanh nghiệp Mỹ đã dần chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Các công ty lớn của Mỹ như Apple, Intel, Qualcomm, Universal Alloy Corporation (UAC), Nike và Key Tronic EMS đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để tối ưu chi phí.

Cách đây hơn 1 năm, đại diện của Intel tại Việt Nam cho biết, Tập đoàn này có 3 nhà máy đặt công nghệ nguồn (trong đó gồm cả nhà máy ở Mỹ) và nay muốn biến Việt Nam trở thành 1 trong những địa điểm sản xuất công nghệ nguồn. Trong năm 2023, Tập đoàn P&G dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy ở Bến Cát (tỉnh Bình Dương), AES dự kiến đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo…

Vào cuối tháng 3 vừa qua đoàn doanh nghiệp Mỹ (gồm 52 doanh nghiệp) lớn nhất từ trước tới nay vào Việt Nam tìm hiểu, khảo sát. “Còn rất nhiều doanh nghiệp khác tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam do xu hướng dịch chuyển, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục”- Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành cho hay.

Các doanh nghiệp Mỹ gia tăng đầu tư và có cái nhìn tích cực về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, gần 80% hội viên Amcham được khảo sát đã đánh giá là rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của họ về Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.

 

Lợi thế của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ; Chi tiêu tiêu dùng tăng và tiềm năng thị trường trong tương lai; Vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng phát triển của Việt Nam mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách mở rộng và đa dạng hóa, tạo ra những con đường phát triển mới; Đáng chú ý, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, củng cố vị thế của Việt Nam là đối tác đầu tư ưu tiên của các doanh nghiệp Mỹ.

Cơ hội nâng chất vốn FDI

Hiện Mỹ có khoảng 1.200 dự án, tổng vốn đạt gần 11,4 tỷ USD. Đó là một thành tựu đáng kể, dựa trên sự nỗ lực từ hai phía, cho thấy sự tương hỗ giữa hai nền kinh tế.

Tính theo ngành, lĩnh vực, các nhà đầu tư Mỹ tập trung chủ yếu vào: dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 32% tổng vốn đầu tư; cấp nước và xử lý chất thải, vận tải kho bãi chiếm lần lượt 5,1% và 3,9% tổng vốn đầu tư. Theo Bộ KH&ĐT, gần đây, thêm lĩnh vực được phía doanh nghiệp Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam đó là y tế, thương mại số, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Giới phân tích cho rằng, những động thái trên của giới đầu tư Mỹ báo hiệu sẽ có một “chiến dịch” đầu tư mới vào Việt Nam, nhất là những lĩnh vực thế mạnh của Mỹ. Dù muốn hay không Mỹ vẫn đi dầu về công nghệ cao, công nghệ tương lai, công nghệ nguồn. Điều này cũng phù hợp với chiến lược thu hút FDI mới của Việt Nam. Đó là đặt ưu tiên lớn hơn trong việc thu hút các dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, đặc biệt là các dự án đầu tư năng lượng sạch.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden lần này, hai bên sẽ rà soát lại quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực và đề ra những định hướng cho quan hệ thời gian tới. Dự kiến trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden sẽ có một số hoạt động doanh nghiệp hai bên, chứng kiến các hợp đồng lên tới hàng tỷ USD được ký kết.

 

“Tổng hoà khi đánh giá về quan hệ Việt - Mỹ, rõ ràng Việt Nam cần tận dụng cơ hội, nâng cấp quan hệ để có thể trong chuyển thăm lần này của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Việt Nam và Mỹ sẽ là Đối tác chiến lược toàn diện”- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định.

Theo GS Mại, khi quan hệ 2 nước được nâng cấp, vấn đề của Việt Nam là chuẩn bị đủ nền tảng để tiếp thu những công nghệ mới, công nghệ nguồn từ các đối tác Mỹ. Việt Nam cần tiếp tục cải thiện về thể chế, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực để giữ chân các tập đoàn lớn, công nghệ cao.

“Công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, luật pháp, thể chế văn minh cùng với quan hệ chặt chẽ hai nước sẽ là những đột phá trong thu hút FDI của Việt Nam với Mỹ”- GS Thomas Patterson, người đồng sáng lập Diễn đàn Toàn cầu Boston, nhận định.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá. Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm cũng sẽ được chú trọng. (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc)

Việt Nam cần chuẩn bị cả về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội, xây dựng hệ thống logistics hiện đại để nhà đầu tư Mỹ thấy có thể làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Chuẩn bị một nguồn nhân lực kỹ thuật cao cũng là yếu tố quyết định cho sự gắn bó của các doanh nghiệp Mỹ với Việt Nam. (GS Thomas Patterson, người đồng sáng lập Diễn đàn Toàn cầu Boston)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm