Thị trường

Thu hút FDI: Về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước, và những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời.

Thủ tướng: Từng bước tháo gỡ, từng bước lắng nghe để phục hồi kinh tế / TP Hồ Chí Minh xin ý kiến Thủ tướng về áp dụng quy định riêng với việc mở cửa nền kinh tế

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư),tính đến ngày 20/9, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến "COVID-19và FDI: Tác động và triển vọng" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (27/9), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước, và những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời.

Tọa đàm "Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng"
Tọa đàm "COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng"

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ: Đại dịch COVID-19tạo sức ép để chúng ta hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy, thực hiện Chính phủ điện tử, tiếp tục theo hướng là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để loại bỏ hoặc điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường.

"Qua đại dịch này chúng ta có cơ hội phát triển một số các chuyên ngành mới, đó là kinh tế số, các ngành công nghiệp dược; nâng cao cơ sở y tế, nguồn nhân lực. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là một cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Đánh giá về triển vọng đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian tới, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Trung tâm này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầng tổ hợp Samsung tại đây.

Theo ông Choi Joo Ho, nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quảvừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam
Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Về chiến lược đầu tư của Samsung tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho khẳng định Samsung sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư vào thị trường này dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất.

 

"Nếu trước đây Samsung chỉ đầu tư và sản xuất, lắp ráp thì sắp tới tập đoàn sẽ nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để đưa Samsung Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu", đại diện Samsung Việt Nam nhấn mạnh.

Tin tưởng môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết tập đoàn vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương.

Ông Binu Jacob đánh giá cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé, vì vậy, tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất mới tại Đồng Nai.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm