Thu thuế thương mại điện tử gia tăng nhờ đâu?
Cần đánh thuế hiệu quả để kiềm chế giá nhà đất / Mỹ giảm mức thuế chống bán phá giá cho 8 doanh nghiệp cá tra Việt Nam
Phát biểu tại tọa đàm “Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/9, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng, TMĐT không chỉ mới ở Việt Nam mà còn là thách thức với nhiều quốc gia khác trên thế giới. TMĐT thay đổi nhanh chóng, khiến việc quản lý và thu thuế từ các hoạt động kinh doanh trên môi trường này trở thành một vấn đề chung với hầu hết các cơ quan thuế, kể cả tại các nước phát triển như Mỹ và Liên minh châu Âu.
Đột phá nhờ công nghệ và phối hợp liên ngành
Tại Việt Nam, quá trình nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thu thuế đối với TMĐT vẫn còn nhiều hạn chế. Trong giai đoạn đầu, việc thu thuế từ TMĐT chỉ đạt được những con số khiêm tốn, ví dụ như vào năm 2021, chỉ thu về vài nghìn tỷ đồng.
Chỉ từ năm 2022, với sự xuất hiện của hệ thống eTax Mobile, việc thu thuế đối với hoạt động TMĐT mới có sự đột phá đáng kể. Trong năm 2023, số tiền thu được đã đạt tới 90.000 tỷ đồng, và dự kiến con số này sẽ vượt mức 100.000 tỷ đồng vào năm 2024.
PGS,TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, kết quả này có được nhờ vào sự nỗ lực của Tổng cục Thuế và các cơ quan liên quan như Bộ TT&TT, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, cùng với chính quyền các địa phương. Việc phối hợp giữa các cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động TMĐT, bảo đảm thu thuế hiệu quả từ các đối tượng kinh doanh trên địa bàn.
Đặc biệt, sự ra đời của VNeID, hệ thống định danh điện tử của Bộ Công an, đã giúp tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý không chỉ trong TMĐT mà còn ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan thuế và ban ngành liên quan.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, thành công trong việc thu thuế TMĐT là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực chung của các cơ quan, ban ngành. Việc tận dụng công nghệ và tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để quản lý hiệu quả hơn trong lĩnh vực TMĐT, góp phần xây dựng nền kinh tế số hiện đại và minh bạch.
Cần sớm hoàn thiện chính sách thuế
Mặc dù việc thu thuế thương mại điện tử đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, tránh thất thu thuế trên môi trường điện tử vẫn là một bài toán nan giải. Trong đó, hoàn thiện chính sách thuế đóng vai trò rất quan trọng.
PGS,TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, quá trình tăng cường quản lý và học hỏi từ các quốc gia khác, ngay trong năm 2022, lượng thu thuế từ thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng đột phá. Đặc biệt, các "ông lớn" như Google, Amazon từ mức nộp thuế rất nhỏ, đã tăng lên hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một tiến bộ đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, doanh thu của những tập đoàn này trên thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng số thuế họ đóng góp vẫn chưa tương xứng. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, thống kê đầy đủ và áp dụng các phương pháp quản lý hiệu quả. Từ đó, chúng ta mới có thể thu thuế đúng và đủ từ các tập đoàn lớn này.
Ngoài ra, theo báo cáo từ Bộ TT&TT, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2024, mỗi tháng có từ 1,3 - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ được vận chuyển qua biên giới mà không phải đóng thuế. Đây là con số không nhỏ, khi bình quân mỗi ngày có khoảng 50 triệu USD hàng hóa qua lại thị trường Việt Nam mà hoàn toàn miễn thuế. Rõ ràng, cơ chế chính sách hiện tại đang không còn phù hợp.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra ví dụ về các quốc gia khác. Từ tháng 1/2021, Liên minh châu Âu đã loại bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị dưới 22 euro. Tại Anh, mức giá trị 135 bảng trước đây được miễn thuế giờ đây cũng đã phải chịu thuế. Gần Việt Nam, Thái Lan cũng áp dụng chính sách đánh thuế toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu với thuế suất 7%, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ. Trong khi đó, việc thất thu thuế tại Việt Nam từ hàng hóa nhỏ qua biên giới là rất lớn, nếu mỗi ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng không chịu thuế.
Do đó, việc hoàn thiện cơ chế chính sách thuế đối với TMĐT là yêu cầu cấp thiết. Chính sách thuế cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Trước đây, vào năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định 78, quy định miễn thuế cho các khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng nhằm giảm bớt áp lực thông quan và kiểm tra hải quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của kinh tế số, việc xử lý giao dịch chỉ diễn ra trong vài giây, và không còn lý do để tiếp tục miễn thuế cho những khoản này.
“Bên cạnh đó, cần xây dựng kho dữ liệu lớn phục vụ cho việc quản lý TMĐT. Kho dữ liệu này không chỉ giúp cơ quan thuế thu đúng, thu đủ mà còn bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và an sinh xã hội. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu và cơ sở dữ liệu về TMĐT là vô cùng cần thiết và cấp bách”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.
Cũng theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, ứng dụng công nghệ mới và công nghệ số vào quản lý TMĐT là yếu tố không thể thiếu. Chỉ khi áp dụng những công nghệ tiên tiến, chúng ta mới có thể quản lý hiệu quả và chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên nền tảng điện tử.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội. Ngay cả khi các doanh nghiệp không có đại diện pháp nhân tại Việt Nam, nhưng nếu hàng hóa của họ được tiêu thụ bởi người Việt Nam, họ vẫn cần phải đóng thuế cho Chính phủ Việt Nam.
Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, cùng với công tác tuyên truyền và sự nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý và thu thuế từ TMĐT sẽ là nền tảng giúp chúng ta kiểm soát và phát triển lĩnh vực này một cách bền vững và hiệu quả hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo