Thị trường

Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo dẫn đến mất an toàn hệ thống.

FPT mua 80% công ty tư vấn công nghệ Pháp / Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua, thị trường bất động sản tươi sáng hơn?

Không hạ chuẩn nhưng ngân hàng phải linh hoạt cho vay

Ngày 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều. Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Trong khi đó, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.

Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống…

Trước đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%). Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2-3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng khẳng định tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng còn thấp, Thủ tướng cho rằng nêu rõ, từ phía cung (các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại) thì hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp. Lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp. Còn hiện tượng tiêu cực mà các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm sáng tỏ.

Còn từ phía cầu (doanh nghiệp, người dân), trong bối cảnh kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay (nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động. Cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới đảm bảo luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, chưa quyết liệt. Điều này khiến cho cạnh tranh lãi suất vẫn diễn ra (do các tổ chức tín dụng yếu kém này phải đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy động được tiền gửi của người dân…), làm quá trình giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.

 

Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

"Đẩy mạnh chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình. Kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý. Đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính" Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế. Đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công… để hỗ trợ chính sách tiền tệ. Với các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm.

Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng

Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay…).

 

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…).

Giao Ngân hàng Nhà nước, nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Tiếp tục kiểm soát tốt ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo dẫn đến mất an toàn hệ thống.

Chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng…

Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng

 

Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu cần sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Công bố công khai lãi suất bình quân của ngân hàng.

Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

"Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng", Thủ tướng yêu cầu các tổ chức tín dụng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm